MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lo ngại xây cầu vượt thép tại Công trường Dân Chủ sẽ phá vỡ cảnh quan

HỮU CHÁNH LDO | 14/10/2023 08:13

TPHCM - Việc xây dựng cầu vượt thép tại ngã 6 Công trường Dân Chủ sẽ phá vỡ cảnh quan của khu vực đã tồn tại lâu nay, trong khi chưa xác định được tính hiệu quả về mặt giao thông của công trình này.

Khởi động kế hoạch xây cầu vượt thép

Ngã 6 Công trường Dân Chủ (Quận 3, 10) là nơi giao nhau giữa các tuyến đường lớn, gồm: Võ Thị Sáu, Cách mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thượng Hiền.

Đây là nút giao lớn ở trung tâm thành phố, tiếp nhận lượng phương tiện đông đúc mỗi ngày khiến tình trạng giao thông thường xuyên hỗn loạn, đặc biệt là giờ cao điểm.

Nút giao có mật độ phương tiện đông đúc. Ảnh: Hữu Chánh

Năm 2017, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dự án cầu vượt thép tại đây nhằm giảm kẹt xe cho khu vực.

Thời điểm đó, công trình được dự tính dài hơn 268 m, rộng 6,5 m mỗi làn; từ đường Võ Thị Sáu qua vòng xoay đến đường Ba Tháng Hai. Dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí hơn 281 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, công trình chưa được thực hiện do chờ điều chỉnh phù hợp tiến độ triển khai tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có ga ngầm nằm ở khu vực này.

Dự án cầu vượt thép ở ngã 6 Công trường Dân Chủ đang được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.

Mỗi ngày lượng xe đổ về đây rất đông khiến giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hữu Chánh

Theo phương án của TCIP, cầu vượt thép vẫn được xây theo hướng đường Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai, phía dưới tổ chức giao thông theo dạng vòng xoay.

Tổng mức đầu tư công trình là 287 tỉ đồng, tăng hơn trước 6 tỉ đồng. Dự kiến khởi công cuối năm 2024 hoặc đầu 2025 và hoàn thành trong năm này.

Phương án này được chủ đầu tư đánh giá là khả thi nhất. Lí do bởi phù hợp với hướng tuyến quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng công trình xung quanh, kinh phí xây dựng cũng ít hơn các phương án khác...

Đề xuất gây tranh cãi

Trước đề xuất nói trên, anh Nguyễn Văn Thành (33 tuổi, người dân ngụ Quận 3) cho rằng, không phủ nhận lợi ích các cây cầu vượt thép mang lại, song giải pháp này cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

"Xây cầu sẽ hạn chế được kẹt xe tại vòng xoay Công trường Dân Chủ, nhưng đường Ba Tháng Hai, Cách mạng Tháng Tám hiện tại đang cõng lưu lượng giao thông quá lớn, rồi cũng sẽ kẹt ở những nút giao lân cận" - anh Thành nói.

Hỗn loạn tại vòng xoay Công trường Dân Chủ vào giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Chánh

Theo anh Thành, những cây cầu dạng này cũng sẽ quá tải nếu không hạn chế được phương tiện cá nhân. Cái mất trước mắt là phá vỡ cảnh quan của khu vực đã tồn tại lâu nay.

"Những cây cầu vượt thép được xây dựng thời gian qua có kết cấu đơn điệu, chủ yếu phục vụ nhu cầu giao thông mà không chú ý nhiều đến yếu tố mỹ quan" - anh Thành nói, đồng thời lo ngại tác động xây dựng của tuyến ngầm metro có thể ảnh hưởng đến chân cầu sau này.

Xe cộ nhích từng chút một di chuyển qua vòng xoay. Ảnh: Hữu Chánh

Phản biện ý kiến của anh Thành, anh Lê Xuân Sang (ngụ quận Tân Bình) cho rằng, nhờ thành phố làm những cây cầu vượt này mà vấn đề kẹt xe được giải quyết rất nhiều.

Người dân như anh đều vui mừng vì không phải chịu cảnh kẹt xe đứng im một chỗ, về được đến nhà là hết hơi hết sức.

"Mỹ quan cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà hàng ngày người dân vẫn phải vật lộn với kẹt xe từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại" - người đàn ông 30 tuổi cho hay.

Anh Sang nêu quan điểm, các đơn vị liên quan cần mô phỏng nhiều phương án tổ chức giao thông và dự báo lưu lượng khu vực ảnh hưởng tương đối chính xác trước khi thiết kế cụ thể.

"Nếu chỉ nêu ra các phương án mà không có mô phỏng thì rất khó xác định hiệu quả tới mức nào" - anh Sang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn