MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạt điểm nóng ùn tắc ở Hà Nội sắp được "giải cứu"

HỮU CHÁNH LDO | 20/08/2024 06:30

Xén hè, dải phân cách là giải pháp được ngành giao thông Hà Nội đưa ra để hạn chế ùn tắc ở đường Lê Văn Lương và một số tuyến phố nội đô.

Ùn tắc triền miên

Mỗi ngày, chị Lê Thị Lan Anh (33 tuổi) mất trung bình gần 1 giờ đồng hồ để di chuyển quãng đường 15 km từ nhà ở Yên Nghĩa (Hà Đông) đến cơ quan ở Ba Đình. Đoạn đường “đau khổ” nhất mà chị phải đi qua mỗi sáng là trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương.

"Những ngày cao điểm, dòng phòng tiện nhích từng chút một khiến hành trình từ nhà đến nơi làm việc mất 1-1,5 tiếng vì qua được đường Tố Hữu, lại gặp ùn tắc tiếp ngã tư Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám và cầu vượt Láng - Lê Văn Lương" - chị Lan Anh nói.

Dòng phương tiện "chôn chân" đoạn nút giao Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) giờ cao điểm sáng 19.8. Ảnh: Hữu Chánh

Ngoài lộ trình trên, từ Hà Đông ra vào trung tâm thành phố hiện chỉ có trục đường chính là Quốc lộ 6 - Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy trục đường trên cũng đã vượt thiết kế.

Một giờ đi trên tuyến đường nhiều điểm tắc nghẽn, chị Lan Anh đến cơ quan với mồ hôi với khói bụi, nóng bức.

Chị Lan Anh từng định chuyển nhà để rút ngắn thời gian trên đường và đỡ căng thẳng. Nhưng điều kiện kinh tế của đôi vợ chồng hai con không cho phép họ tiến gần hơn đến trung tâm thành phố.

2-3 giờ trên đường mỗi ngày khiến thời gian của người mẹ trẻ này trở nên eo hẹp hơn khi không thể đón con đi học hay chăm sóc tốt nhất cho gia đình, bản thân.

Dòng phương tiện xếp thành hàng dài trên đường Lê Văn Lương hướng vào trung tâm thành phố. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận của Lao Động cho thấy, đường Lê Văn Lương có chiều dài khoảng 2 km, rộng 11,25 m mỗi chiều đường. Đường được chia làm 3 làn xe, trong đó có 1 làn dành riêng cho xe buýt và 2 làn đường hỗn hợp.

Đây là trục hướng tâm kết nối quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm với các quận nội thành. Hai bên đường, nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc mọc lên dày đặc, do đó nhu cầu đi lại của người dân qua tuyến đường này rất lớn.

Dọc tuyến có nhiều điểm giao cắt nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vào giờ cao điểm, tuyến đường này trở nên lộn xộn, ôtô và xe máy chen chúc nhau trên các làn đường.

Đường dành riêng cho xe buýt BRT cũng bị xe máy chiếm dụng khiến phương tiện này cũng không thể phát huy hết hiệu quả.

Tuyến đường Lê Văn Lương hiện có 6 làn xe, trong đó có 2 làn xe dành riêng cho buýt nhanh BRT. Ảnh: Hữu Chánh

Lên phương án "giải cứu" ùn tắc

Tuyến đường Lê Văn Lương là một trong 7 tuyến đường dự kiến sẽ được xén vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Ngoài ra còn 6 tuyến đường khác, gồm Giảng Võ, Láng Hạ, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến.

Đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong đó, các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá, việc đầu tư xây dựng dự án, cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Nhiều xe máy đi vào làn đường của buýt nhanh BRT trong giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Chánh

Cơ quan này cho biết, dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỉ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng hơn 188 tỉ đồng từ nguồn ngân sách UBND thành phố.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn