MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Khuất Duy Tiến thường xuyên xảy ra ùn tắc (ảnh ghi nhận sáng 29.9). Ảnh: Phạm Đông

Lý do Hà Nội không nên xén dải phân cách đường Khuất Duy Tiến

PHẠM ĐÔNG LDO | 29/09/2023 13:49

Trước đề xuất xén dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đây là một việc bất đắc dĩ, giải quyết tạm thời khó khăn về giao thông nhưng có thể tạo nên những nút thắt cổ chai, gây tác dụng ngược và lãng phí.

Như Lao Động đã thông tin, mới đây cử tri quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã đề xuất nghiên cứu xén dải phân cách để mở rộng đường Khuất Duy Tiến, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Bởi lẽ, thời gian gần đây, vấn đề ùn tắc cả trên đường Vành đai 3 và tuyến dưới thấp ngày càng gia tăng khiến nơi đây trở thành "con đường đau khổ" của Hà Nội.

Nhằm giảm tải áp lực giao thông, TP Hà Nội đã tiến hành xén giải phân cách giữa, dưới Vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển để tạo thêm một làn đường dành riêng cho xe máy. Đây là điều Hà Nội đã làm với đường Nguyễn Chí Thanh, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Quốc Việt, Liễu Giai và Văn Cao.

Đường Tôn Thất Thuyết sau khi được xén dải phân cách. Ảnh: Phạm Đông

Theo ghi nhận sáng 29.9, dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến từ trụ NB4.5 đến trụ T206 nhỏ hẹp hơn với dải phân cách giữa trên đường Nguyễn Xiển.

Tuyến đường ngắn nhưng lại có nhiều nút giao với đường hai bên, nhiều điểm quay đầu, lối lên xuống Vành đai 3. Do đó, nếu tiếp tục xén dải phân cách giữa đường vành đai 3 sẽ lợi bất cập hại, gây ra nhiều điểm giao cắt, xung đột giao thông.

Đặc biệt, ngay đầu đường Khuất Duy Tiến, đoạn gần ngã tư Đại lộ Thăng Long tiếp tục có các tòa nhà cao tầng mọc lên, gây áp lực giao thông cho tuyến đường.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, xén hè, dải phân cách thực chất đường không được mở rộng mà còn tạo nên những nút thắt cổ chai, gây tác dụng ngược và xung đột giao thông.

Thực tế, tuy mở rộng được vài mét, nhưng khi phương tiện lưu thông đến các cầu vượt hoặc nhánh lên xuống trên đường như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Vành đai 3 vẫn phải “co” lại để lên hoặc tránh cầu vượt.

Theo ông, việc xén dải phân cách hay vỉa hè như hiện nay mở rộng chỉ thêm được 1 làn đường hoặc 1 thân xe ô tô nên việc ách tắc có thể giảm nhưng không nhiều. Chính vì vậy, đây là một việc bất đắc dĩ, giải quyết tạm thời khó khăn về giao thông. Trong điều kiện hiện nay, có thể phù hợp nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp manh mún.

Cùng nói về vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo - Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhận định, sau khi xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, thì rất có thể vị trí ùn tắc mới đã xuất hiện ngay chính khoảng trống đã được mở rộng. Hay nói thẳng ra, đó là dồn dòng lưu thông từ chỗ này sang chỗ khác, thông chỗ này, tắc chỗ khác.

Ở khía cạnh khác, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các giải pháp “bịt” ngã ba, ngã tư và xén vỉa hè Hà Nội làm cả chục năm nay không còn phát huy nhiều hiệu quả.

Theo ông, trên thực tế, với trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, tuy đã mất cả dải phân cách và biệt danh tuyến đường đẹp nhất Thủ đô nhưng giao thông hiện nay cũng không được cải thiện khi ùn tắc kéo dài vẫn xảy ra khi lưu lượng quá tải.

Như vậy, việc chi rất nhiều tỉ đồng cho việc xén dải phân cách mà đường vẫn tắc, gây lãng phí rất lớn.

Do đó, muốn giảm ùn tắc, Hà Nội phải giám sát các dự án xây dựng tòa cao ốc trên đất dành cho giao thông. Cùng đó, người đứng đầu thành phố cần ngừng lại việc cho xây nhà cao tầng trong nội đô và di dời các trụ sở, cơ quan ra khu vực ngoại thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn