MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài (nối đường Thanh Nhàn với đường Vành đai 2) rộng 22,5m. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Lý do khiến đường Võ Thị Sáu kéo dài ở Hà Nội vẫn nằm trên giấy

Vĩnh Hoàng LDO | 17/01/2024 14:09

Hà Nội - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài được kỳ vọng sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối đồng bộ tuyến đường Vành đai 1 với Vành đai 2, tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn nằm im bất động.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 17.1, hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài vẫn chỉ "nằm trên giấy", chưa được triển khai.

Chị Lê Thị Ly (32 tuổi, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cho biết, người dân rất vất vả khi di chuyển từ phố Võ Thị Sáu đi Vành đai 2.

"Nếu sử dụng ôtô, tôi sẽ phải rẽ vào phố Thanh Nhàn rồi tiếp tục rẽ vào phố Bạch Mai mới có thể đến Vành Đai 2, con đường đáng lý chỉ dài vài trăm mét lại thành hơn 3km", chị Ly nói.

Chị Ly mong muốn, dự án xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài sẽ được sớm triển khai để việc di chuyển của người dân dễ dàng hơn.

Tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài sẽ nối phố Thanh Nhàn với đường Vành đai 2 (Hà Nội). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trước thực tế trên, cử tri Hà Nội thời gian qua liên tục có các phản ánh về việc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài chậm triển khai, đồng thời đề nghị thành phố sớm thực hiện xây dựng tuyến đường.

Trong một văn bản trả lời cử tri về vấn đề này, UBND TP Hà Nội mới đây cho biết, theo Quyết định số 3237/QĐ-UB ngày 7.6.2001 và Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 22.4.2009 của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài (nối đường Thanh Nhàn với đường Vành đai 2) do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (trực thuộc Sở Giao thông Công chính Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Quy mô đầu tư đồng bộ mặt đường, vỉa hè, tổ chức giao thông, cây xanh, cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng và một số công trình phụ trợ khác, mặt cắt ngang khoảng 22m.

Tổng mức đầu tư dự án tại thời điểm trình thẩm định, phê duyệt tháng 11.2012 khoảng 812 tỉ đồng và sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Điểm đầu của dự án nằm trên phố Thanh Nhàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định dự án (năm 2013), dự án không nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư năm 2013-2015 nên chưa có cơ sở để trình UBND thành phố phê duyệt và đã dừng triển khai.

Đến ngày 6.9.2021, theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội thì tuyến đường thuộc nhiệm vụ đầu tư của quận, do theo quy hoạch phân khu đô thị H1-4, tỉ lệ 1/2000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1359/QĐ-UBND.

Tuyến đường được xác định có bề rộng mặt cắt ngang khoảng 22,5m.

Điểm cuối dự án cắt tuyến đường Vành đai 2,5. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đến ngày 28.6.2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 2894/KH&ĐT-HT ngày 28.6.2022 đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng rà soát, cân đối nguồn lực đầu tư tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách quận, trường hợp không cân đối được nguồn lực, đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ.

Trên cơ sở cân đối nguồn lực, UBND quận Hai Bà Trưng đã có Văn bản số 310/UBND-TCKH ngày 15.3.2023 gửi UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề nghị xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện dự án với nội dung sau:

- Nguồn vốn thành phố để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỉ đồng.

- Nguồn vốn quận dùng thực hiện các nội dung còn lại khoảng 300 tỉ đồng.

Tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn