MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sáng 1.9. Ảnh: Hữu Chánh

Lý giải nguyên nhân nhiều ôtô không được vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây

HỮU CHÁNH LDO | 01/09/2023 14:50

TPHCM - Trong trường hợp lưu lượng phương tiện quá đông hoặc gặp sự cố, lực lượng chức năng sẽ đóng cao tốc, đồng thời chuyển hướng các phương tiện liên quan, theo đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sáng 1.9, nhiều phương tiện đổ về nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) để di chuyển vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng về các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Thuận du lịch trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.

Tuy nhiên, khi đến đường dẫn cao tốc, nhiều tài xế bất ngờ khi được lực lượng chức năng hướng dẫn quay đầu, chọn lộ trình di chuyển khác.

"Tôi sẽ phải di chuyển qua phà Cát Lái rồi đi theo Quốc lộ 51 để đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhanh nhất thì phải hơn 2 tiếng, tôi mới đến được TP Vũng Tàu nếu đi theo đường quốc lộ" - anh Nguyễn Văn Mạnh (Quận 3, TPHCM) cho hay.

Tuyến đường dẫn vào cao tốc thời điểm 9h sáng 1.9.
Các phương tiện được yêu cầu quay đầu tại đường dẫn vào cao tốc.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Công ty VEC E, thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lực lượng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TPHCM) đang tiến hành điều tiết giao thông trên tuyến.

Trong trường hợp xe đông, gặp sự cố hoặc tai nạn, PC08 sẽ không tiếp nhận xe vào cao tốc, đồng thời chuyển hướng các phương tiện liên quan.

"5-10 phút khi giải quyết lưu lượng xe xong, lực lượng chức năng sẽ mở cao tốc cho các phương tiện vào lại" - bà Phương nói và cho biết, việc đóng - mở cao tốc phụ thuộc vào lưu lượng giao thông trên toàn tuyến, từ đó PC08 sẽ có sự điều tiết phù hợp.

Sau khi giải quyết xong sự cố, các phương tiện mới được vào lại tuyến cao tốc.

Theo vị lãnh đạo VEC E, cao tốc đoạn qua cầu Long Thành chỉ tối đa 100km/h, cộng với độ dốc 4% nên khi phương tiện lên cầu, đặc biệt là xe tải, xe container đều di chuyển chậm lại, điều này khiến lưu lượng thoát không kịp, dẫn đến tình trạng ùn ứ ở phía sau.

Sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe cách đây 4 tháng, lượng xe qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng cao.

Trong đó, đoạn từ An Phú đến nút giao với tuyến Dầu Giây - Phan Thiết bình quân mỗi ngày là 58.000 - 62.000 lượt, cao điểm tăng lên 70.000 - 73.000, vượt gần gấp đôi năng lực khai thác.

Với lượng xe đã vượt gần gấp đôi năng lực khai thác, đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Long Thành khuyến cáo, tài xế chọn lộ trình khác, tránh bị ùn tắc dịp lễ 2.9.

Ùn ứ tại nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với Vành đai 2.

Trong trường hợp người dân lựa chọn lộ trình di chuyển qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nên xem trước tình hình giao thông trên tuyến để tránh bất ngờ về tình trạng giao thông, ảnh hưởng đến lịch trình.

"Hai tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết có số đường dây nóng là 0286.252.9191, có người trực 24/24, người dân có thể gọi trước để cập nhật tình hình" - lãnh đạo VEC E nói.

Đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, đi qua TPHCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn một năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỉ đồng. Những năm gần đây, tuyến thường quá tải các dịp cuối tuần và lễ, Tết do lượng xe dồn đến rất lớn.

Cuối tháng 4, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, kết nối trực tiếp với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận được thông xe. Tuyến đường này giúp rút ngắn một nửa hành trình từ TPHCM đến Phan Thiết - Mũi Né còn khoảng 2-2,5 giờ, trở thành lộ trình chính từ thành phố đến trung tâm du lịch trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn