MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội CSGT số 6 lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực phố Miếu Đầm tối 21.2. Ảnh: Phạm Đông

Mạnh tay với “ma men”: Giới thiệu là em Phó Chủ tịch huyện cũng không thoát

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/02/2023 08:42

Hà Nội đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

Điện thoại cầu cứu, tự xưng em trai Phó Chủ tịch huyện vẫn không thoát

Tối 21.2, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6 đã thực hiện lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực phố Miếu Đầm (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Ghi nhận thực tế cho thấy, một ca kiểm tra nồng độ cồn trong 2 tiếng của cảnh sát đã kiểm tra 300 xe ôtô nhưng chỉ phát hiện 2 tài xế vi phạm. 

"Tôi và người thân luôn bảo nhau là đã uống rượu thì không lái xe, mà uống thì sẽ thuê xe dịch vụ đi để tránh bị phạt, tước giấy phép lái xe từ 1-2 năm và quan trọng hơn là bảo đảm an toàn cho mình và người khác", một tài xế xe ôtô cho biết.

CSGT “mỏi tay” dừng cả trăm ôtô mới phát hiện 2 người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Phạm Đông

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không ít trường hợp có hành vi chống đối lực lượng chức năng, thậm chí gây ra tai nạn đối với người thi hành công vụ.

Trước đó hai ngày, cũng tại khu vực này, tài xế T.C.S điều khiển phương tiện mang BKS: 30F-785.xx sau 5 lần được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn vẫn không chịu hợp tác, liên tục trốn tránh và yêu cầu được gọi điện thoại nhằm kêu gọi sự hỗ trợ.

Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế T.C.S là 0,252 miligam/lít khí thở, tương đương với vi phạm nồng độ cồn ở mức 2.

Phương tiện của tài xế S sau đó được niêm phong và đưa về trụ sở, tổ công tác cũng hẹn lịch làm việc với tài xế S sau khi người này tỉnh táo hơn.

Hay như tối 18-2, tại Km11+300 tỉnh lộ 427 huyện Thường Tín, Tổ công tác Đội CSGTTT, Công an huyện Thường Tín lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, phát một trường hợp có thái độ không hợp tác. Đó là tài xế L.V.G (ở huyện Thường Tín, Hà Nội) điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 30Y-264x.

Trong khi làm việc với tổ công tác, lái xe G khẳng định vừa uống rượu, bia ở quê nhưng nhất quyết không hợp tác kiểm tra nồng độ cồn. Để "câu giờ", anh G liên tục gọi điện thoại cho người thân và giới thiệu có anh làm Phó Chủ tịch UBND huyện để tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm.

Trước thái độ làm việc này, tổ công tác kiên quyết xử lý nghiêm. Căn cứ điểm b, khoản 10 và điểm h, khoản 12, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Ngoài ra, tài xế xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Cảnh sát xử lý trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Công an cung cấp

Cũng trong ngày 18.2, Công an quận Hà Đông đã tiếp nhận bàn giao để điều tra làm rõ vụ việc lái xe Đ.V.T. (sinh năm 1974 ở Thanh Xuân) điều khiển ôtô khi trong người có nồng độ cồn và sử dụng giấy phép lái xe không phải do cơ quan chức năng cấp.

Hiệu quả rõ rệt

Theo thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, những ngày gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã giảm.

Điều đó cho thấy hiệu quả của việc xử lý mạnh tay với "ma men" khi tham gia giao thông mà lực lượng chức năng đang thực hiện bước đầu đã tạo tác dụng răn đe vi phạm, được nhân dân đánh giá cao

Thiếu tá Chinh cũng cho biết, gần đây người dân thấy rõ sự đổi thay trong xử phạt vi phạm giao thông, nhất là với lỗi vi phạm nồng độ cồn. Phạt không nể nang, không linh động cho bất cứ ai vì bất cứ lý do nào.

“Riêng các trường hợp can thiệp vi phạm giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ thu thập đầy đủ thông tin, báo cáo đơn vị công tác để có hình thức xử lý”, thiếu tá Chinh nhấn mạnh.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, kết quả này cho thấy, hiệu quả của việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn mà thành phố đang thực hiện.

Từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Việc xử lý luôn linh hoạt từ tuần tra kiểm soát đến cắm chốt xử lý tùy từng địa bàn nội thành và nông thôn sao cho “không có vùng cấm” khi phát hiện vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn