MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro số 1 chạy thử toàn tuyến hồi tháng 8.2023. Ảnh: Anh Tú

Metro số 1 của TPHCM gặp hàng loạt rắc rối với nhà thầu Nhật Bản

MINH QUÂN LDO | 16/11/2023 14:31

TPHCM - Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành xây dựng cuối năm nay và khai thác thương mại từ tháng 7.2024. Tuy nhiên, hàng loạt vướng mắc, khiếu kiện với các nhà thầu Nhật Bản nếu không sớm giải quyết có thể khiến dự án trễ hẹn.

Nhà thầu Nhật Bản không phối hợp

Hàng loạt vướng mắc của dự án Metro số 1 vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) báo cáo UBND TPHCM để phục vụ cuộc họp của do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì về rà soát một số dự án ODA hợp tác với Nhật Bản.

Theo MAUR, dự án Metro số 1 đã đạt khoảng 96,53% khối lượng. Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện các hệ thống, song song với công tác đào tạo nhân sự vận hành, thử nghiệm hệ thống và đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.

Các khối lượng công việc còn lại của dự án chủ yếu thuộc về gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng), trị giá hơn 14.200 tỉ đồng với nhà thầu Hitachi.

TPHCM đặt mục tiêu vận hành thương mại Metro số 1 từ tháng 7.2024. Ảnh: Anh Tú

Tuy nhiên, hiện nay, có một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện hợp đồng CP3 vẫn chưa được nhà thầu Hitachi thực hiện hoàn toàn hoặc có giải pháp giải quyết các khó khăn để hoàn thành công việc.

Cụ thể, về nội dung sử dụng thiết bị dự án phục vụ công tác đào tạo của tư vấn chung (NJPT), hiện nay, quan điểm và cách nhìn nhận của nhà thầu Hitachi và NJPT vẫn khác nhau, dẫn đến khó khăn cho MAUR trong việc tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị cho khai thác thử sắp tới.

Theo đó, trong nhiều văn bản của mình, nhà thầu Hitachi đòi hỏi các chi phí phát sinh liên quan đến việc sử dụng sớm hệ thống đường sắt để phục vụ cho công tác đào tạo của dự án. Tuy nhiên, phía tư vấn NJPT khẳng định: Các hoạt động đào tạo lái tàu do giảng viên của NJPT thực hiện, có sử dụng tuyến chính đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng gói thầu CP3... và đó là nhiệm vụ của nhà thầu hợp tác với NJPT mà không có thêm bất kỳ thanh toán chi phí nào ngoài bảng phân bổ chi phí.

Bên cạnh đó, nhà thầu Hitachi cho rằng, chỉ chịu trách nhiệm thử nghiệm tích hợp các hệ thống của riêng CP3, từ chối trách nhiệm trong công tác thử nghiệm và vận hành thử toàn hệ thống.

Việc này, NJPT khẳng định, tuân theo các điều khoản của hợp đồng CP3, Hitachi có nghĩa vụ phải tích hợp với công trình của các nhà thầu giao diện và lập kế hoạch thử nghiệm và vận hành thử tích hợp toàn diện. Đồng thời, nhà thầu phải tuân thủ bất kỳ hướng dẫn nào mà đại diện chủ đầu tư là NJPT có thể đưa ra.

MAUR cho hay, việc không thống nhất cách hiểu hợp đồng đã làm phát sinh thêm thời gian và kinh phí. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì dự án khó có thể đưa vào khai thác thử và khai thác thương mại theo đúng tiến độ đã báo cáo cho cả hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

17 đoàn tàu của tuyến Metro số 1 được đưa về Depot Long Bình để chạy thử. Ảnh: Anh Tú

Về tiến độ thi công và nhập khẩu của một số hệ thống còn lại của nhà thầu Hitachi, hiện có những khu vực của dự án sẵn sàng mặt bằng và đủ điều kiện thi công, như khu vực 2, 3 của Depot. Tuy nhiên, nhà thầu Hitachi vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành dự án.

Về đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng, MAUR đã đề cập với Hitachi từ năm 2022 và đã có một số cuộc họp liên tục với lãnh đạo của Hitachi Nhật Bản và Văn phòng thực hiện dự án của Hitachi tại TPHCM từ đầu tháng 7.2023.

Từ đó đến nay, MAUR nhiều lần đề nghị Hitachi tiếp tục họp để trao đổi, thúc đẩy nhanh chóng nội dung này. Tuy nhiên nhà thầu Hitachi luôn lấy lý do “chưa kịp chuẩn bị” nên đã từ chối các cuộc họp với MAUR.

Hiện MAUR đã thảo luận với tư vấn chung NJPT giải pháp phù hợp về phạm vi công việc để nhà thầu Hitachi có thể có nhiều phương án đề xuất hợp đồng 5 năm vận hành và bảo dưỡng. Trong trường hợp Hitachi vẫn không thể thực hiện, MAUR cho biết, sẽ báo cáo UBND TPHCM và đề xuất giải pháp thay thế để đảm bảo tiến độ dự án.

MAUR cho biết đã có công văn báo rõ tình hình cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và JICA Việt Nam đề nghị rà soát và ý kiến với nhà thầu Hitachi để tập trung vào việc hoàn thành dự án.

Đồng thời, MAUR cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ Ngoại giao, các cấp Chính phủ trong các đợt làm việc với phía Nhật Bản (Đại sứ quán Nhật và JICA) có thể xem xét, hỗ trợ nêu các vướng mắc trên để thúc đẩy sự phối hợp tích cực từ nhà thầu Hitachi nhằm nhanh chóng hoàn thành dự án.

Sớm hòa giải 3 vụ kiện giữa nhà thầu với MAUR

Hiện có 3 vụ kiện giữa nhà thầu và MAUR đang được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, hợp đồng gói thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot) có 2 vụ kiện tranh chấp và hợp đồng gói thầu CP3 có một vụ kiện tranh chấp theo đơn khởi kiện từ nhà thầu Hitachi.

MAUR cho biết, đã thảo luận với các nhà thầu để tiến hành hình thức hòa giải thương mại cho các vấn đề tồn đọng giữa các bên. Đối với hai vụ kiện ở gói thầu CP2, hiện MAUR đã ký kết thỏa thuận hòa giải với nhà thầu liên danh SCC để làm cơ sở tiến hành các thủ tục hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải Quốc tế tại Việt Nam.

Đối với vụ kiện với nhà thầu Hitachi của gói thầu CP3, ngày 21.6.2023, MAUR đã trao đổi về các định hướng hòa giải, các vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp về tiến độ dự án với đại diện nhà thầu Hitachi. Nhà thầu Hitachi đang thảo luận để có phản hồi.

Đồng thời, hiện liên danh nhà thầu SMJO (Shimizu - Maeda) của gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) tuy đã có những khiếu nại đến chủ đầu tư do những vấn đề tranh chấp trong quá trình thi công, nhưng có mong muốn được giải quyết theo hình thức hòa giải thương mại tại Việt Nam.

MAUR cho hay, sẽ thúc đẩy nội dung hòa giải thương mại hữu hảo với nhà thầu SMJO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn