MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sảnh chờ bến xe Miền Đông mới không một bóng khách. Ảnh: Chân Phúc

Muốn bến xe Miền Đông mới “thoát ế”, cần sớm đóng cửa bến cũ

MINH QUÂN LDO | 14/07/2022 06:39

TPHCM - Để "giải cứu" bến xe Miền Đông mới trước thực trạng ế ẩm, lãng phí kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm đóng cửa bến cũ để tập trung vào khai thác bến mới.

Bến xe lớn nhất nước mỗi ngày phục vụ 24 khách

Bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức) cách bến xe cũ trong trung tâm TPHCM khoảng 20 km. Đây là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Từ tháng 10.2020, bến xe này được đưa vào khai thác với 22 tuyến các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TPHCM, hiện bình quân mỗi ngày chỉ có khoảng 7 lượt xe xuất bến với 24 hành khách. Cao điểm lễ, Tết bến xe này cũng chỉ phục vụ 60 khách mỗi ngày.

Tiến sĩ Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, ngoài bất cập về hạ tầng giao thông kết nối thì việc còn tồn tại bến xe Miền Đông cũ là một nguyên nhân khiến bến xe mới “ế khách”.

“Còn bến cũ thì bến xe mới làm sao hoạt động được. Theo thói quen, người dân vẫn cứ đến bến cũ để tiện lợi hơn hoặc chỉ có hơn 20 tuyến xe đi ra Bắc mà người dân không có nhu cầu thì đi ra bến mới làm gì” – ông Cương nói.

Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) tấp nập khách dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Minh Quân

Để bến xe Miền Đông mới hết ế ẩm, lãng phí kéo dài, ông Võ Kim Cương cho rằng cần sớm đóng cửa bến cũ để tập trung hoàn toàn vào khai thác bến mới. Điều này không chỉ sớm tạo thói quen cho người dân mà còn kéo giảm tình trạng kẹt xe khu vực nội đô TPHCM.

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, cho rằng đơn vị quản lý bến nên tổ chức tốt khâu tiếp chuyển khách từ bến xe mới về khu vực nội thành, trong đó kết hợp tất cả các loại hình xe buýt, taxi, xe trung chuyển hàng hóa nếu có.

Sau đó, sớm di dời tất cả các tuyến tại bến cũ ra bến mới, không để tình cảnh như hiện nay vừa khó cho hành khách, vừa khó cho đơn vị vận tải.

Ngoài ra, ông Lê Trung Tính đề nghị lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông cần tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng xe dù hoạt động trong nội thành. Riêng bến xe Miền Đông mới cần xem xét bổ sung ngay các dịch vụ phục vụ khách còn yếu và thiếu nhằm thỏa mãn nhu cầu của hành khách.

Đủ điều kiện di dời bến cũ

Đại diện Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới cho biết, việc các hạ tầng giao thông kết nối quanh bến vẫn chưa được hoàn thiện đã ảnh hướng đến kế hoạch di dời bến xe cũ ra bến mới.

Do đó, Samco đã đề xuất Sở GTVT TPHCM thời gian di dời các tuyến còn lại sang bến xe Miền Đông mới sẽ thực hiện sau khi tổ chức giao thông xung quanh bến được ổn định và tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đưa vào sử dụng.

Ôtô ở bãi đậu tại bến xe Miền Đông mới nhưng không có khách.  Ảnh: Chân Phúc

Ông Võ Khánh Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thừa nhận hiện hạ tầng giao thông xung quanh khu vực bến xe Miền Đông mới chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, với hệ thống hạ tầng hiện hữu kết hợp giải pháp tổ chức, điều tiết giao thông phù hợp vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giao thông khi di dời bến xe Miền Đông cũ ra bến xe mới.

“Hiện Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM yêu cầu Samco đánh giá, báo cáo cụ thể kế hoạch đầu tư đối với các công trình còn lại tại bến xe Miền Đông mới và tiến độ di dời” – ông Hưng nói,

Cũng theo ông Hưng, để đẩy nhanh quá trình di dời bến xe cũ, Sở GTVT TPHCM đã đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện các hạ tầng giao thông quanh bến xe Miền Đông mới. Đồng thời, tổ chức 4 tuyến buýt vào bến xe mới và giao thanh tra sở tăng cường tuần tra xử lý "xe dù, bến cóc".

Về phương án tổ chức khai thác bến xe Miền Đông hiện hữu, ông Võ Khánh Hưng cho bết, theo quy hoạch cũ thì có 2 phần, trong đó 6,2 ha của bến xe dành làm bãi đậu xe buýt, 0,7 ha dành cho xe khách liên tỉnh. Thế nhưng, qua rà soát, diện tích thực tế tại bến không còn đủ.

“Sắp tới, Sở GTVT TPHCM sẽ phối hợp với Samco đánh giá lại, cần thiết sẽ đề xuất bổ sung quy hoạch làm bãi lưu đậu cho 1 số tuyến hành khách liên tỉnh có lộ trình đi qua Quốc lộ 13, 14 đi các tỉnh Tây Nguyên. Vì các tuyến này nếu dời qua bến xe Miền Đông mới sẽ đi vòng một đoạn khá xa, hành khách và nhà xe khó chấp nhận” – ông Hưng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn