MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiến nghị đầu tư công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc-Nam (ảnh minh hoạ). Ảnh: Đ.T

“Nghẽn PPP”, cao tốc Bắc - Nam chuyển toàn bộ sang dùng ngân sách

Đặng Tiến LDO | 17/11/2021 08:43
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có Tờ trình số 519/TTr-CP gửi Quốc Hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nhà nước đầu tư rồi nhượng quyền thu phí

Theo đó, dự án án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ có 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km có thể vận hành, khai thác độc lập.

Cụ thể gồm các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Qua tính toán sơ bộ của Chính phủ, tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỉ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỉ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỉ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư, chi phí giữ lại bảo hành công trình) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỉ đồng, trong giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỉ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. 

Dự kiến tiến độ triển khai chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư đường bộ cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, theo phương án này, trường hợp triển khai thành công cũng chỉ thu hút được khoảng 17.275 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách (chiếm khoảng 11,7% tổng mức đầu tư dự án ), trong khi phải xây dựng cơ chế đặc thù khác so với quy định của Luật PPP (tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư).

Bên cạnh đó, mặc dù các dự án này có tính khả thi cao, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do còn phụ thuộc vào thị trường...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội, để tạo đà để phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, trong dài hạn là phát triển hạ tầng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc.

Đồng thời, tại Kết luận số 18-KL/TW Bộ Chính trị đã kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành dự án. Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước...

Động lực quan trọng phát triển kinh tế

Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế...

Theo đó, việc đầu tư hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.

Tại tờ trình, hiện các địa phương có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho các địa phương. Qua đúc kết kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc tại nước ta thời gian vừa qua, để đảm bảo được tiến độ xây dựng, Chính phủ giao cho các địa phương tổ chức thực hiện các dự án thành phần với mục tiêu phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của địa phương.

Trong thực tế, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng (như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, công tác vận động, tuyên truyền người dân…).

Đồng thời, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn