MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đổ về thành phố sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Phạm Đông

Người dân hối hả trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

PHẠM ĐÔNG LDO | 26/01/2023 13:26

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, người dân ở các tỉnh đã hối hả trở lại Thủ đô, chuẩn bị cho những ngày làm việc, học tập.

Do sợ tắc đường, ảnh hưởng đến việc di chuyển trên các tuyến quốc lộ lớn, nhiều người dân đã chọn phương án trở lại Hà Nội từ chiều mồng 4 Tết âm lịch (25.1.2023) hoặc sáng mồng 5 Tết âm lịch (26.1.2023).

Theo ghi nhận tại tuyến đường Ngọc Hồi, Giải Phóng, Quốc lộ 1A, cầu Thanh Trì, Vành đai 3... lượng phương tiện lưu thông bắt đầu đông đúc. Lượng phương tiện cũng gia tăng đáng kể theo hướng vào nội đô thành phố. Tuy nhiên giao thông vẫn diễn ra tương đối thuận lợi, thông thoáng.

Người dân di chuyển theo hướng Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng về nội đô. Ảnh: Phạm Đông

Tại quận Hoàng Mai, khu vực có 2 bến xe lớn là Nước Ngầm và Giáp Bát; cùng với đó là ngã 3 Giải Phóng - Kim Đồng; đường dẫn lên vành đai 3 trên cao… có lượng lớn phương tiện đổ về khiến tình trạng ùn tắc là điều khó tránh.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, cho biết, tại các nút giao thông trọng điểm, đơn vị sẽ bố trí lực lượng phân luồng giao thông, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ. Trong đó, đội phối hợp với các đơn vị khác nhằm phân luồng từ xa không để các phương tiện dồn về một chỗ. Khu vực cửa ngõ ra khỏi Thủ đô đội bố trí lực lượng 24/24h để điều tiết giao thông tránh tình trạng ùn ứ kéo dài, xử lý sự cố.

Lượng phương tiện di chuyển từ Quốc lộ 1A về Giải Phóng mỗi lúc một đông đúc.
Lực lượng CSGT điều tiết, hướng dẫn các phương tiện di chuyển từ QL1 vào. Ảnh: Phạm Đông

Được biết, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã yêu cầu các đội Cảnh sát giao thông địa bàn phối hợp cùng công an các quận, huyện, thị xã ứng trực 100% quân số bảo đảm giao thông thông suốt và giữ vững an ninh trật tự. Phương án đón người dân kéo dài đến hết ngày 29.1, chủ nhật đầu tiên của năm mới Quý Mão.

Lượng phương tiện di chuyển từ đường Ngọc Hồi vào nội đô. Ảnh: Phạm Đông
Người dân mang theo nhiều đồ đạc, hành lý về Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, trong nội thành, các khu vực Bến xe Mỹ Đình, dọc tuyến Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng đã bố trí nhiều tổ tuần tra xử lý lỗi vi phạm tốc độ tối thiểu, tập trung vào xe khách dừng đỗ tùy tiện trả khách không đúng địa điểm, kéo theo hàng dài xe taxi, xe "ôm" chạy theo. 

"Đội sẽ bố trí các tổ tuần tra lưu động, cũng như các chốt trực tại vị trí giao thông trọng điểm của địa bàn để hướng dẫn phương tiện, cũng như giải quyết sự cố va chạm tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông đi lại được thuận tiện an toàn trên địa bàn đội phụ trách", Thiếu tá Chiến thông tin.

Hình ảnh trên trục đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến. Ảnh: Phạm Đông

Còn tại các bến xe lớn ở Hà Nội như Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước Ngầm người dân cũng mang theo nhiều hành lý trở lại Thủ đô. Giá vé được các nhà xe chấp hành theo đúng quy định, không tăng bất thường dịp Tết để đảm bảo việc đi lại của nhân dân.

Theo đó, giá vé từ TP.Vinh (Nghệ An) đi Hà Nội từ 250-300.000 đồng; xe Quảng Ninh đi Hà Nội từ 100-150.000 đồng; xe Tuyên Quang đi Hà Nội từ 180-200.000 đồng; xe Hải Phòng - Hà Nội từ 100-150.000 đồng... 

Hình ảnh ghi nhận tại Bến xe Mỹ Đình mùng 5 Tết. Ảnh: Phạm Đông

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong ngày mùng 4 Tết 2023 (ngày 25.1), cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, làm 19 người bị thương.

Như vậy, sau 6 ngày nghỉ Tết (từ ngày 20 đến 25.1), cả nước xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người và 96 người bị thương. So với cùng kỳ 6 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tai nạn giao thông giảm 10 vụ, giảm 6 người chết nhưng tăng 10 người bị thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn