MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân phớt lờ việc mặc áo phao khi qua bến đò ngang, Ban ATGT Cần Thơ nói gì?

YẾN PHƯƠNG LDO | 23/05/2024 15:49

TP Cần Thơ được ví như “đô thị miền sông nước” với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, vậy nên giao thông đường thủy nơi đây cũng giữ vai trò then chốt.

Những chiếc áo phao bị “bỏ quên”

Mỗi ngày, tại các bến thủy nội địa, bến đò ngang trên địa bàn TP Cần Thơ, rất đông người dân đi lại bằng đò, phà để phục vụ việc kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa. Nhiều cán bộ, công chức đến cơ quan hay học sinh, trẻ nhỏ đến trường cũng đi bằng phương tiện này.

Hệ thống sông ngòi thuận tiện cho giao thông đường thủy ở Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương

Tuy nhiên, việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa tại các tuyến sông hiện vẫn chưa được quan tâm, người dân còn thờ ơ, phớt lờ với việc chấp hành các quy định.

Điển hình, trải dài trên sông Cái Sắn đi qua địa bàn quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, nhiều bến đò ngang đưa rước khách qua sông mỗi ngày. Tại các bến đò đều treo bảng nội quy, tuyên truyền chấp hành đúng, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, trên các phương tiện có trang bị áo phao, dụng cụ nổi cầm tay đầy đủ.

Song, mặc dù áo phao có sẵn nhưng từ người lái phương tiện đến hành khách, không ai mặc trong hành trình di chuyển trên sông. Thế nên những bảng nội quy, tuyên truyền hay áo phao, dụng cụ nổi này dường như bị “bỏ quên”, chủ yếu xuất hiện để đủ điều kiện hoạt động chứ không phát huy tác dụng.

Những nội quy, hình ảnh tuyên truyền bị phớt lờ. Ảnh: Yến Phương

Chị Thúy Quỳnh (35 tuổi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh) lý giải, do đây là vùng quê sông nước, hầu hết mọi người đều biết bơi nên chủ quan, không có thói quen mặc áo phao. Hơn nữa, bản thân người lái đò túc trực trên sông cả ngày không mặc áo phao, không nhắc nhở hành khách, hành khách cũng không quan tâm đến điều này.

Hơn 30 năm làm nghề thu phí tại bến đò, ông Đặng Văn Ngọc (huyện Vĩnh Thạnh) cho hay, sông này nhỏ, mỗi lần đi qua sông chỉ vài phút, nếu mặc áo phao sẽ mất thời gian và vướng víu, vậy nên không cần thiết.

Theo chia sẻ của nhiều người dân, đa phần các ý kiến đều cho rằng, việc tuân thủ quy định ATGT đường thủy chỉ nên áp dụng đối với các sông lớn, còn những sông nhỏ ở vùng nông thôn thì không quan trọng.

Xử nghiêm các hành vi vi phạm

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Mai Minh Ngoan - Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ - nhấn mạnh, hiện nay theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông đường thủy, cụ thể là người lái đò và hành khách tham gia giao thông tại các bến đò ngang, bến đò dọc, bắt buộc phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân.

Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ Mai Minh Ngoan chia sẻ với Báo Lao Động. Ảnh: Yến Phương

Với quy định rõ ràng như thế, nhưng vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày. Do đó, người dân cần phải loại bỏ suy nghĩ “sông nhỏ, không cần mặc áo phao”. Bởi từ chính những suy nghĩ, thói quen này có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.

Theo ông Ngoan, mỗi năm Ban ATGT thành phố đều trang bị, tặng áo phao cho các bến đò và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc quan trọng là giáo dục, tuyên truyền để người dân phải tự nguyện mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi khi tham gia giao thông ở các bến đò ngang, dọc, để phòng tránh những rủi ro, tai nạn giao thông.

“Hiện Ban ATGT TP Cần Thơ đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố (kiêm Trưởng Ban ATGT) có văn bản để chỉ đạo tăng cường các giải pháp, kéo giảm tai nạn giao thông từ đây đến cuối năm 2024. Trong đó, có kiểm tra các hệ thống bến bãi, đò ngang để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là vào mùa mưa bão và cao điểm du lịch hè sắp tới”, ông Ngoan thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn