MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn cát biển liên tiếp về cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

PHƯƠNG ANH LDO | 12/07/2024 12:45

Theo Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, trong 1-2 ngày nữa sẽ có thêm khoảng 4.000m3 cát biển được chuyển từ mỏ cát B1 (tỉnh Sóc Trăng) về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Theo ghi nhận của Lao Động, sau hơn 10 ngày khởi công (khởi công ngày 29.6) khai thác mỏ cát biển tại tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 (tỉnh Sóc Trăng), nhà thầu đang khẩn trương huy động thêm thiết bị, phương tiện nhằm sớm đưa cát về công trường, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Khai thác cát biển tại tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Ông Đỗ Minh Châu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - đơn vị được tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận và được Bộ TNMT giao quyền sử dụng khu vực biển để khai thác cát biển cho biết - để khai thác, đơn vị cho các vòi hút của các tàu rùa chạy rà trên mặt cát dưới đáy biển để hút cát. Việc khai thác này không tạo hố sâu, không dẫn đến việc xói lở hay thay đổi dòng chảy.

“Với gần 6 triệu m3 được cấp phép khai thác, đơn vị sẽ thi công trong 6 tháng. Công suất đăng ký từ 35.000-50.000m3/ngày được tính toán từ nhu cầu, tiến độ cấp cát về các dự án“, ông Châu thông tin.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vào chiều tối ngày 9.7 những sà lan cát biển đầu tiên đã về đến công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Trong 1-2 ngày tới sẽ có thêm 6-8 sà lan cát biển tương đương khoảng 4.000m3 được vận chuyển về cao tốc.

Đồng thời, nhà thầu cũng sẽ huy động khoảng 30 tàu khai thác, vận chuyển để tăng công suất khai thác, phục vụ kịp thời nguồn vật liệu san lấp cho công trình.

Cát biển được hút lên từ các vòi của tàu rùa. Ảnh: Phương Anh

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết nguồn cát cần cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ nay đến cuối năm 2024 khoảng gần 10 triệu m3, trong đó nguồn cát biển được phép khai thác khoảng 5,5 triệu m3 thì cơ bản đủ nguồn vật liệu san lấp cho dự án.

"Toàn bộ cát biển sẽ vận chuyển đến công trường để thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 thuộc địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu); huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang); huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau thuộc địa bàn các huyện Thời Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, (tỉnh Cà Mau)", ông Thi thông tin.

Cát biển được chuyển về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Phương Anh

Cũng theo ông Thi, trước đó Bộ GTVT đã tổ chức triển khai dự án thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường trên phạm vi hoàn trả ĐT.978 (tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang-Cà Mau một cách bài bản, cẩn trọng, khoa học, khách quan. Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn