MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguyên nhân ôtô ở Hà Nội tăng gần gấp đôi sau 5 năm, đạt hơn 1 triệu xe

NHÓM PV LDO | 22/05/2024 16:07

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay, Thủ đô Hà Nội có hơn 1 triệu ôtô, tăng gần gấp đôi so với mức 600.000 xe năm 2018. Nguyên nhân một phần do dân số tăng quá mức dự báo, song cũng do chưa quản lý gia tăng số lượng phương tiện hiệu quả.

Mạng lưới giao thông chưa tương xứng

Tại hội thảo "Giải bài toán phát triển giao thông đô thị", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, quá trình đô thị hóa (ĐTH) vừa qua đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo mới. Song bên cạnh kết quả đã bộc lộ một số tồn tại, như mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh) còn thấp so với quy chuẩn. Như đối với Hà Nội cần 20 - 25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt xấp xỉ 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3 - 4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.

Thống kê đến năm 2023, Thủ đô Hà Nội có hơn 1 triệu xe ôtô. Ảnh Phạm Đông

Vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Trong khi Hà Nội cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20%.

Cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá mức dự kiến. Tại Thủ đô Hà Nội, năm 2018 chỉ có 5,5 triệu xe máy, 600.000 ôtô, thì sau 5 năm (2023) đã tăng tới gần 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu ôtô (chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội). Có tình trạng này một phần do dân số tăng quá mức dự báo, song cũng do chưa quản lý gia tăng số lượng phương tiện hiệu quả.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong giai đoạn tới với định hướng tốc độ ĐTH cao và hội nhập sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu, một trong những đột phá là tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, nhất là với các đô thị lớn và liên kết vùng.

Mỗi đô thị có nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông vận tải phù hợp với thực tiễn, song phải gắn kết với cả hệ thống quy hoạch đang thực hiện đó là các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông phải đồng bộ, hiện đại, dễ tiếp cận (đường bộ, đường sắt hiện đại, đường thủy) để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.

Phát triển giao thông phải đảm bảo hợp lý và khả thi, chú trọng đến yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Với các đô thị lớn thì đây là thách thức khó khăn lớn về phát triển giao thông đường bộ (khai thác không gian ngầm, giao thông liên vùng, khép kín các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, thông suốt hệ thống đường nội bộ...) phát triển đường sắt đô thị.

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng (đường sắt đô thị, mạng lưới xe buýt nhanh, tàu điện...) để giảm thiểu gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Trong định hướng phát triển các đô thị lớn hiện nay, phát triển đô thị được khuyến khích theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Đây là bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, song mỗi nước có mô hình khác nhau. Để áp dụng với Việt Nam cần nghiên cứu đồng bộ với phân bố dân cư đô thị và quỹ di sản đô thị.

Cùng với giải quyết thách thức này, với các đô thị lớn còn chú trọng ngay đến phát triển giao thông tĩnh đang là áp lực lớn, khó khăn từ quỹ đất (trên mặt đất, không gian ngầm, không gian trên cao), từ nguồn lực thực hiện từ chính sách ưu tiên, đặc thù.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu nhiều giải pháp để phát triển giao thông ở các đô thị lớn. Ảnh Tô Thế

Để thực hiện những mục tiêu trên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện nay đang thực hiện đổi mới hệ thống quy hoạch với yêu cầu tích hợp đa ngành, song để phát triển giao thông rất cần cùng với quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải cấp tỉnh.

Để tạo đột phá về giao thông, với các đô thị lớn cần xây dựng chính sách đặc thù. Hiện nay, TPHCM đã có Nghị quyết riêng (98/2023/QH15). Thủ đô Hà Nội đang hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi đã có đặc thù về phát triển giao thông. Từ các chính sách đặc thù được xác định cần có đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật do cấp tỉnh ban hành để cụ thể hóa.

Trong phát triển giao thông, định hướng là phát triển đồng bộ, ưu tiên giao thông công cộng với loại hình vận tải là khối lượng lớn và trung bình, nhiều đô thị lớn đang xác định trọng tâm là phát triển đường sắt đô thị. Đây là xu thế khoa học, song rất cần xây dựng hệ thống kỹ thuật đặc thù để gắn với ứng dụng phù hợp thực tế từng đô thị, nhất là khi áp dụng mô hình TOD.

Trong các đô thị lớn hiện nay, cùng với tạo đột phá về giao thông công cộng là phát triển giao thông tĩnh. Thực trạng áp lực về giao thông tĩnh vừa qua là bật cập giữa gia tăng dân số và phát triển phương tiện giao thông cá nhân chưa được kiểm soát hiệu quả. Giai đoạn tới khi Luật đất đai, Luật đầu tư được thực hiện sẽ tạo thêm thuận lợi như về khai thác không gian ngầm.

"Từ những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội về phát triển bền vững đô thị. Mỗi đô thị nhất là các đô thị lớn đều được xác định khâu đột phá là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và trọng tâm là hệ thống giao thông. Đạt được những nội dung này, có thể từng bước sẽ giải quyết được áp lực về giao thông", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn