MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người phản ứng vì phương án đền bù Vành đai 4 không đủ mua suất tái định cư

HỮU CHÁNH LDO | 31/03/2024 20:29

Hà Nội - Cho rằng số tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 không đủ để mua một suất tái định cư, nhiều người dân thôn Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê, Mê Linh) kiến nghị chính quyền có cơ chế để họ không bị thiệt thòi khi bị thu hồi đất thực hiện dự án.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng (52 tuổi, thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, Mê Linh) đã sinh sống trên mảnh đất rộng 226m2 vốn là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Trong đó có 72m2 diện tích đất ở, 152m2 là đất vườn.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Hà Nội đi qua địa bàn xã, gia đình ông đã rất đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi nhận được phương án đền bù, số tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất của gia đình ông Bằng vẫn không đủ mua một suất tái định cư hơn 70m2.

Theo phương án đền bù, gia đình ông Bằng được trả khoảng 18 triệu đồng/m2 đất ở, còn giá đất vườn là 1 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất nền tái định cư dao động từ 21 - 22 triệu đồng/m2.

"Với phương án đền bù này, gia đình tôi vẫn phải bù thêm tiền để mua một suất tái định cư, chưa tính đến việc phải bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí tiền tỉ để xây lại nhà mới" - ông Bằng bức xúc.

Cho rằng giá đền bù không thoả đáng, ông Bằng kiến nghị chính quyền thành phố, huyện Mê Linh có cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn thành đất ở để người dân không bị thiệt thòi khi bị thu hồi để thực hiện dự án.

Những hộ dân thôn Khê Ngoại 2 (Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) thuộc diện giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4. Ảnh: Hữu Chánh

Còn gia đình bà Đinh Thị Thật (67 tuổi) có 1.000m2 đất ông cha để lại, đã chia hết cho 4 người con, mỗi người một phần.

Khi nhận phương án đền bù, gia đình bà mới tá hoả khi biết phần đất bà đang ở chỉ được đền bù với giá 18 triệu đồng/m2, nhưng diện tích của 3 người con khác chỉ được xác định là đất vườn, chỉ được đền bù 1 triệu đồng/m2.

"Chúng tôi vô cùng bức xúc khi diện tích đất ông cha để lại vẫn chỉ được xác định là đất vườn với mức đền bù một triệu đồng/m2, không đủ mua một suất tái định cư để ổn định chỗ ở" - bà Thật nói.

Khu vực giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Vành đai 4 đoạn qua thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê phần lớn có nguồn gốc từ đời ông cha để lại từ lâu đời. Ảnh: Hữu Chánh

Không chỉ ông Bằng, bà Thật mà hàng chục hộ dân sinh sống trên đất ông cha thôn Khê Ngoại 2 đều trong tình trạng tương tự.

Theo tìm hiểu của Lao Động, khu vực giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Vành đai 4 đoạn qua thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê phần lớn có nguồn gốc từ đời ông cha để lại từ lâu đời.

Vướng mắc ở chỗ, trước đây khi Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, lúc chưa sáp nhập vào Hà Nội, sổ đỏ của các hộ dân chỉ ghi nhận hạn mức đất ở cho mỗi hộ là 200m2, còn lại là đất vườn. Trải qua nhiều thế hệ, các hộ này đã chia tách cho các con xây dựng nhà ở.

Nếu không nằm trong quy hoạch xây dựng đường Vành đai 4, các hộ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn thành đất ở như hiện trạng. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch, người dân bị hạn chế quyền, không được phép chuyển đổi.

Hình ảnh Vành đai 4 đoạn qua thôn Khê Ngoại 2, cuối tháng 3.2024. Ảnh: Hữu Chánh

UBND huyện Mê Linh cho biết, thực tế Văn Khê là xã nông thôn, đất vùng bãi, có nhiều thửa đất vườn, ao xen kẽ trong dân cư, có diện tích lớn, đông con..., khi tách hộ dẫn đến tách đất cho con xây dựng nhà ở, sinh sống ổn định từ lâu trên đất vườn, ao.

Hiện giá bồi thường đất vườn ao thấp, 1.027.000 đồng/m2, các hộ không đủ tiền nộp để mua tái định cư...

Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, UBND huyện Mê Linh kiến nghị Hà Nội cho phép huyện thực hiện cơ chế đặc thù (thửa đất vườn, ao độc lập), tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích 1 lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn