MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Bạch Xa (Tuyên Quang) khánh thành trước Tết mang lại niềm vui kép cho người dân. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Những cây cầu khánh thành trước Tết, xoá cảnh hàng thập kỷ chờ đò của cả nghìn hộ dân

Nguyễn Tùng LDO | 08/02/2024 11:00

Sau nhiều thập kỷ chờ đò vượt sông, hàng nghìn người dân ở Tuyên QuangThái Nguyên đón nhận niềm vui nhân đôi khi đi trên những cây cầu mới đã kịp khánh thành trước Tết Nguyên đán.

Vụ cam Tết năm nay, gia đình ông Ma Văn Lý ở xã Bạch Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang) tất bật hơn bởi cây cầu Bạch Xa vượt sông Lô mới khánh thành cách đây ít ngày đã giúp các thương lái vào được tận vườn để mua cam thay vì phải vận chuyển bằng đò hoặc đi vòng ra tới Quốc lộ 2 như trước.

"Trước kia chưa có cầu, nếu vận chuyển nhỏ lẻ chỉ có thể đi đò vượt sông Lô sang bên phía Hà Giang trên tuyến Quốc lộ 2 để bán cam. Nay thì khác rồi, cầu to đường đẹp, xe tải đến tận vườn, quả cam được chở đi nhanh, thuận tiện, giá cũng được nâng lên. Người dân chúng tôi mừng lắm", ông Lý chia sẻ.

Còn bà Bàn Thị Hoa, ở xã Yên Lâm (Hàm Yên) không giấu nổi sự vui mừng cho biết, tôi năm nay hơn 60 tuổi rồi, cũng từng đó năm đi đò vượt sông Lô để thăm người. Từ ngày có có cây cầu Bạch Xa này thì tự đi xe đạp được, an toàn, chủ động lại nhanh hơn rất nhiều.

Cầu Bạch Xa nối đôi bờ sông Lô xoá cảnh chờ đò của hàng nghìn hộ dân vùng hạ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Nguyễn Tùng.

Cây cầu Bạch Xa tổng mức đầu tư 295 tỉ đồng sau hơn 1 năm xây dựng đã chính thức khánh thành cuối tháng 1.2024 và chấm dứt cảnh chờ đò vượt sông Lô của hàng nghìn hộ dân các xã Bạch Xa và Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng như khu vực lân cận.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc khánh thành và đưa công trình vào sử dụng là sự kiện hết sức có ý nghĩa, tiếp nối những thành công và dấu ấn nổi bật của khâu đột phá về hạ tầng của tỉnh Tuyên Quang.

"Cầu Bạch Xa không chỉ giúp xoá cảnh chờ đò hàng thập kỷ của người dân mà còn mở ra không gian phát triển mới, tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư cho huyện Hàm Yên và khu vực", ông Tuấn thông tin.

Còn với hàng hộ dân sống 2 bên bờ sông Cầu của huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và TP Phổ Yên (Thái Nguyên) thì cây cầu Hoà Sơn thực sự là niềm mong mỏi nhiều năm qua. Bởi trước đó, muốn qua sông Cầu, giao thương giữa 2 huyện, người dân chỉ có thể đi trên những chiếc đò mỏng manh.

Những chuyến đò cuối cùng bên cây cầu Hoà Sơn nối TP Phổ Yên (Thái Nguyên) với huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Tùng.

Bà Lý Thị Liên (xã Hoà Sơn, Bắc Giang) chia sẻ: "Hàng chục năm nay, việc đi lại buôn bán giữa 2 tỉnh những năm qua chủ yếu bằng đò ngang. Mùa mưa, nước sông Cầu lên cao, việc đi đò rất nguy hiểm, có được cây cầu này đi lại vừa nhanh vừa an toàn, ai cũng phấn khởi".

Cầu Hoà Sơn có tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng với chiều dài 439m. Cùng với việc xây dựng cầu vượt sông, hệ thống đường dẫn hai bên đầu cầu được tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên triển khai xây dựng đã mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Toan - Chủ tịch UBND phường Đông Cao (TP Phổ Yên) cho biết, đoạn đường dẫn cầu Hoà Sơn qua địa bàn có một số hộ dân phải giải phóng mặt bằng nhưng các hộ dân đều đồng thuận bàn giao.

"Cây cầu thực sự là niềm mong ngóng của người dân hai địa phương hàng chục năm qua cũng như giúp xoá cảnh đi đò, đợi chờ và thiếu an toàn. Những ngày qua, đơn vị thi công gấp rút triển khai để cây cầu kịp thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán, mang lại niềm vui cho người dân", ông Toan thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn