MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Minh Đức trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Việt Tuấn

Những con số nói lên sự quá tải về giao thông tại Hà Nội

TIẾN NGUYỄN LDO | 08/09/2023 18:14

Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Ngày 8.9, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố tổ chức Hội thảo “Giao thông đô thị Thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”.

Tránh để hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3.5 nhằm cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, tiếp tục xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt giao thông đô thị còn lại...

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy.

Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội còn được thể hiện qua các con số như: Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch số 519 là từ 20-26%), tỉ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011-2020 là khoảng 2,48%/năm.

Còn theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, giao thông đô thị ở Hà Nội luôn “nóng” và giải pháp cần xác định tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến việc ùn tắc hiện nay. Việc cấp bách Hà Nội cần cụ thể hóa chủ trương phát triển hạ tầng đồng bộ.

Muốn quản lý giao thông tốt, thì phải song hành với quản lý phát triển dân số đồng bộ, vào đầu mối, tránh mỗi ngành đưa ra một con số dự báo. Trước mắt, Hà Nội cũng nên thống kê cụ thể việc người dân tiếp cận phương tiện công cộng; nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành, chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Tuấn

Đề nghị quy hoạch lại làn đường BRT để linh hoạt sử dụng

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, vì thế thành phố cần sớm hoàn thành các đường vành đai đang triển khai nhưng chậm. HĐND thành phố cần giám sát các đường vành đai, phát hiện vướng mắc, đề xuất chính sách tháo gỡ, để sớm hoàn thành.

“Đã đến lúc cần quy hoạch, phân luồng xe du lịch, cần có điểm đỗ cách xa trung tâm, khách đi bộ vào điểm đến, tránh ùn tắc khu vực nội đô và Hà Nội có thể áp dụng ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình...”, đại biểu Nguyễn Minh Đức khuyến nghị.

Đặc biệt, quan tâm đến giao thông công cộng, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, số lượng người dân tham gia xe buýt công cộng ít do các điểm chờ xe buýt chưa hợp lý, vì thế, các sở chuyên ngành cần quan tâm nghiên cứu đến sự thuận tiện của người dân; quy hoạch lại làn đường BRT để linh hoạt sử dụng cho những xe chuyên chở hành khách đông khác; nên quy hoạch và sử dụng điểm đỗ giao thông tĩnh hiệu quả và quản lý giao thông công cộng, điểm đỗ bằng nền tảng số…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn