MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh) là một trong 24 điểm ùn tắc nhiều năm qua ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân

Phát sinh 6 điểm ùn tắc, TP Hồ Chí Minh gấp rút triển khai 2 đề án lớn

MINH QUÂN LDO | 27/03/2023 10:42

TP Hồ Chí Minh có 24 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, trong đó 6 điểm phát sinh mới trong năm 2022. Để kéo giảm ùn tắc, thành phố đang đẩy nhanh triển khai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2030.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, 6 điểm phát sinh ùn tắc mới gồm: ngã tư Hàng Xanh; nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp); nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình); giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, cùng khu vực Cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh).

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính gây phát sinh các điểm ùn tắc do lượng xe cá nhân tăng nhanh, trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp.

Tính đến tháng 2 năm nay, TP Hồ Chí Minh đang quản lý gần 8,9 triệu phương tiện, trong đó có 896.129 xe ô tô và gần 8 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2022, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,33% (ôtô tăng 7,88%, mô tô tăng 3,95%). Trong 2 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có khoảng 130 ô tô và 637 mô tô đăng ký mới.

TP Hồ Chí Minh đang quản lý gần 8,9 triệu phương tiện. Ảnh: Minh Quân

Về giải pháp, Sở GTVT cho biết, trong ngắn hạn sẽ cải tạo đường, khắc phục những bất cập về biển báo, hạ tầng giao thông tại 24 điểm ùn tắc. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát, để sớm giải quyết các tình huống mới phát sinh, không để kẹt xe kéo dài.

Về lâu dài, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đang triển khai song song hai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, thành phố phấn đấu đưa vào khai thác metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) năm 2024 và tuyến metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) năm 2030.

Song song, thành phố cũng chú trọng phát triển giao thông công cộng, xe đạp công cộng, mạng lưới xe buýt kết nối metro.

Theo ông Trần Quang Lâm, ngành giao thông đang cố gắng đến năm 2030, giao thông công cộng đáp ứng hơn 30% nhu cầu đi lại của người dân. Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh sẽ từng bước hạn chế, khoanh vùng một số khu vực để hạn chế xe cá nhân, nhất là xe hai bánh.

Tổng vốn thực hiện các nhóm giải pháp ở đề án này hơn 391.000 tỉ đồng, trong đó từ nay đến năm 2025, khoảng 91.000 tỉ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 hơn 300.000 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn lại huy động từ các nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư nước ngoài...

Về phát triển hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đã xác định nhóm dự án ưu tiên cần đầu tư.

Cụ thể, để tăng kết nối vùng, TP Hồ Chí Minh xác định các tuyến vành đai đến năm 2030 phải khép kín, gồm Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4. Trong đó, Vành đai 3 phấn đấu khởi công tháng 6 năm nay và đưa vào khai thác năm 2026.

Tuyến Vành đai 4 hiện đang được TP Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương để triển khai, phấn đấu năm 2027 sẽ hoàn thành.

Đồng thời, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài cũng đang được nghiên cứu, phấn đấu hoàn thành vào năm 2027. TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với Bình Dương, Bình Phước để triển khai tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Cũng theo ông Trần Quang Lâm, đối với sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đang phối hợp với Bộ GTVT để làm nhà ga T3 và mở hệ thống giao thông đường bộ kết nối.

Song song, để chuẩn bị phục vụ sân bay Long Thành (Đồng Nai) thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và Bộ GTVT cũng đang phối hợp để mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông thành phố 10 năm tới được tính toán hơn 970.000 tỉ đồng. Trong đó, gần 400.000 tỉ đồng từ ngân sách, còn lại sử dụng vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn