MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc hạn chế phương tiện cá nhân vẫn gặp khó. Ảnh: Phạm Đông

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, giải pháp kiềm chế vẫn nửa vời

PHẠM ĐÔNG LDO | 30/03/2023 09:32

Số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội ngày một gia tăng trong khi hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng, dẫn đến ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng. Dù vậy, việc hạn chế phương tiện cá nhân rõ ràng đang “phá sản” vì những cách làm nửa vời.

Phương tiện cá nhân tăng quá nhanh khiến giao thông ùn tắc

Một trong những giải pháp hiệu quả chống ùn tắc giao thông là phát triển giao thông công cộng, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện cá nhân.

Vấn đề này từng được lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở, ngành chuyên môn nêu ra cách đây hàng chục năm.

Bởi lẽ năm 2017, toàn Thành phố Hà Nội chỉ có 6 triệu phương tiện, trong đó ôtô chiếm hơn 540.000 xe; xe máy chiếm hơn 5.400.000 triệu xe…

Tuy nhiên, tính đến ngày 14.2.2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã quản lý tổng số 7.860.151 phương tiện (trong đó 1.073.518 ôtô, 6.602.162 mô tô, 184.471 xe máy điện).

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt đã khiến Hà Nội có thêm hàng loạt điểm đen ùn tắc giao thông.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - từng thừa nhận, tiến độ các dự án giao thông công cộng đang quá chậm, với 1 tuyến đường sắt đô thị phải mất 8-10 năm mới hoàn thành. Nếu không có giải pháp đột phá thì mục tiêu cải thiện năng lực giao thông công cộng của Hà Nội khó đạt được. 

Để hạn chế phương tiện cá nhân trong thời gian tới, Sở GTVT đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính. Xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Điều này sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng lõi được phép lưu thông các phương tiện để tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.

Có thể thấy, do tăng "thả phanh" phương tiện cá nhân đã khiến việc mở rộng cầu, đường không theo kịp gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị. Các con đường, tuyến phố đều thường xuyên trong tình cảnh chật cứng các phương tiện vào giờ cao điểm.

Hình ảnh xe máy phải lên vỉa hè, còn lòng đường chật kín ôtô ở mọi làn xe đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người dân.

Phương tiện cá nhân tăng nhanh, kìm hãm giao thông công cộng. Trong ảnh là cảnh ùn tắc trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Phạm Đông

Cấp bách hạn chế xe cá nhân

Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình - Giảng viên trường Đại học Việt Nhật, đã đến lúc cần hạn chế thấp nhất sự lệ thuộc vào phương tiện cá nhân và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn như metro, đường sắt đô thị. Tuy nhiên cũng cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho mạng lưới xe buýt hiện hữu.

Ông Phan Lê Bình cho rằng, nếu xe buýt không được ưu tiên, không được chạy thông thoáng thì không bao giờ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông đô thị. Người đi ô tô xe máy nên hi sinh phần đường của mình để dành ưu tiên lớn hơn cho giao thông công cộng thì mới có thể đi lại êm thuận, đúng giờ được.

Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy -  nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho hay, đã nhiều lần, cơ quan chức năng ở nước ta đặt ra vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Nhiều người ủng hộ nhiệt tình chủ trương này, trong đó có cả ông.

Tuy nhiên, do dân số tăng cao, cộng với áp lực của quá trình đô thị hóa nên việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vẫn đang khá bế tắc. Các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được chú trọng và triển khai quyết liệt vì những cách làm nửa vời.

Mặc dù nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng ùn tắc thì không giảm vì tốc độ phát triển hạ tầng không thể đua nổi với tốc độ mua sắm phương tiện cá nhân.

Theo ông Thủy, giải pháp cho vấn đề này là đánh thuế, thu phí cao đối với phương tiện cá nhân, tiếp tục hợp tác đầu tư PPP, BOT để đầu tư phát triển hạ tầng. Nói nôm na là người nào sắm phương tiện cá nhân sẽ phải bỏ khoản tiền tương xứng để đóng góp với xã hội làm đường sá, hạ tầng.

Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng, với thực trạng đường sá như hiện nay, việc chỉ sử dụng xe buýt là phương tiện công cộng chính để đi lại trong nội đô có thể là nỗi ám ảnh với người dân về sự muộn giờ, chậm giờ. Do đó, mục tiêu thu phí ôtô cá nhân vào nội đô từ năm 2025 trở đi sẽ khó khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn