MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu xóa ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Xiển. Ảnh: Phạm Đông

Phương tiện tăng nhanh, Hà Nội loay hoay xóa điểm đen ùn tắc giao thông

Phạm Đông LDO | 17/04/2023 10:00

Phương tiện cá nhân tại Hà Nội tăng chóng mặt trong khi hạ tầng quá tải đã khiến việc chống ùn tắc giao thông rơi vào tình trạng “xóa chỗ này phình chỗ khác”.

Xử lý 8 điểm đen ùn tắc trong năm, 3 điểm đen tai nạn trong quý 1

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Trong đó, 17 điểm do rào chắn thi công các dự án gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng liên quan đã xử lý 3/37 điểm ùn tắc, gồm: nút giao Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo; nút giao Đại La - Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng. Như vậy, thành phố hiện vẫn còn 34 điểm ùn tắc khác cần được xử lý.

Trong khi đó, năm 2022, Hà Nội có tổng số 26 điểm đen tai nạn giao thông. Các đơn vị chức năng đã xử lý 23/26 điểm, còn lại 3 điểm đen tai nạn giao thông đang được các cơ quan chức năng xử lý gồm: Km201+500 Quốc lộ 1A (huyện Thường Tín); Km12+280 - Km12+750 đường Võ Nguyên Giáp (huyện Sóc Sơn); đoạn từ cột đèn T2B-33 đến cột đèn T2A/55 cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên).

Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng đang phối hợp với Công an thành phố tập trung xử lý 3 điểm đen tai nạn giao thông trong quý II/2023.

Trong năm 2023, thành phố cũng đặt mục tiêu xử lý 8 – 10 điểm ùn tắc trong năm 2023. Những vị trí trọng yếu được đưa ra là các trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê (khu vực ngõ 128, 152 Thụy Khuê), Âu Cơ – Xuân Diệu, Chu Văn An – Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.

Tiếp đó là các nút giao Lãng Yên – đê Nguyễn Khoái; khu vực cống Trung Văn; Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Văn Khê; Cổ Linh - Đàm Quang Trung; Phạm Hùng – Nguyễn Hoàng – Tôn Thất Thuyết; Trường Chinh – Tôn Thất Tùng – Lê Trọng Tấn.

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt

Lãnh đạo Sở GTVT nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp là do số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm.

Khi mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, năm 2022, sau điểm cao dịch COVID-19, Hà Nội tăng thêm 350 nghìn phương tiện cá nhân, trong đó ôtô tăng gần 100 nghìn.

Do vậy, tính đến ngày 14.2.2023, đơn vị quản lý tổng số 7.860.151 phương tiện. Trong khi đó, tốc độ tăng về hạ tầng giao thông lại không nhiều…

Phương tiện cá nhân đang tăng quá nhanh. Ảnh: Phạm Đông

Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát các “điểm đen” phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Trọng tâm, thành phố sẽ tập trung xử lý vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc; xe tải chở quá khổ, quá tải; xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...

Đồng thời, Sở tiếp tục theo dõi, đánh giá các trục tuyến đường, nút giao khác để đề xuất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm sớm thu hồi các vị trí rào chắn gây thu hẹp lòng đường nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Nghiên cứu xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai.

Còn chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc thành phố đặt mục tiêu xử lý đến 10 điểm đen ùn tắc giao thông sẽ không khả thi. Cần xử lý điểm nào làm dứt điểm đó chứ không thể xóa chỗ này đưa vào báo cáo nhưng lại phình ra những chỗ khác xung quanh.

Theo ông Thủy, việc cần làm là đẩy nhanh tiến độ thi công tác dự án trọng điểm, thu hẹp rào chắn. Bởi lẽ cứ kéo dài ngày nào là người dân khổ vì ùn tắc ngày đó. Cương quyết thu hồi giấy phép thi công với những nhà thầu, đơn vị trây ì, chậm tiến độ nhiều lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn