MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Quảng Bình còn 419m mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam chưa bàn giao. Ảnh: Công Sáng

Quảng Bình cưỡng chế để hoàn trả mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam

CÔNG SÁNG LDO | 06/09/2024 15:37

UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã ban hành 5 quyết định, 12 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ để cưỡng chế nhằm hoàn trả mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam.

99,67% mặt bằng được giao

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, với chiều dài 126,43km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường.

Đến nay, chiều dài tỉnh Quảng Bình đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án là 126,01km (chiếm tỉ lệ 99,67%), hiện còn lại 419m vướng mặt bằng (chiếm 0,33%).

Trong đó, huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 25,29km/25,3km. Huyện Bố Trạch đã bàn giao được 29,03km/29,04km. Huyện Lệ Thủy đã bàn giao được 31,553km/31,952km.

Mặt bằng cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình đoạn huyện Lệ Thủy vẫn còn vướng. Ảnh: Công Sáng

Đại diện Ban Quản lý Dự án Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ cho biết, tại huyện Lệ Thủy vẫn còn 399m vướng mặt bằng, những điểm này ảnh hướng đến tiến độ của dự án.

“Chúng tôi đang mong muốn có mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ vì mùa mưa bão đã cận kề” - vị đại diện này nói.

Ông Nguyễn Xuân Tường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng cao tốc huyện Lệ Thủy - cho biết, trên địa bàn đang còn 399m liên quan đến 19 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế, 12 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ để cưỡng chế; một trường hợp đang ở Hàn Quốc, dự kiến ngày 8.9 sẽ kịp về nước để nhận tiền, một trường hợp chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động.

“Bí thư Tỉnh ủy đã có chuyến công tác đến địa bàn, qua đó, khi thực hiện đầy đủ các thủ tục và quy định thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể để một vài trường hợp ảnh hưởng đến dự án quốc gia. Sau quyết định cưỡng chế trong vòng 10 ngày hoặc theo thời gian cụ thể của địa phương sẽ phải tiến hành, huyện quyết định sẽ triển khai hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong tháng 9” - ông Tường nói.

Việc vướng mặt bằng khiến một số đoạn cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình chưa thi công được. Ảnh: Công Sáng

Triển khai giải pháp theo đúng quy định

Ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - cho hay, công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Lệ Thủy khó khăn hơn bởi địa bàn dài nhất tỉnh, dự án đi qua địa hình đông dân cư nhất với gần 1.000 hộ dân. Cùng với đó, lịch sử đất đai để lại phức tạp, đất đai của các nông lâm trường chuyển về, đất lấn chiếm, tranh chấp, không có nguồn gốc thời điểm sử dụng đất… nên tốn nhiều thời gian để xử lý. Cùng với đó huyện còn vướng điện mặt trời và gần 700 ngôi mộ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng sau khi kiểm tra tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua Quảng Bình tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy), đã có những đề nghị liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cần tiếp tục xem xét các giải pháp để bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với những hộ gia đình trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng, sau khi đã được tuyên truyền, vận động, thực hiện đầy đủ các chính sách nhưng vẫn chưa đồng thuận và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, cần triển khai các giải pháp theo đúng quy định để thông tuyến, tránh vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến cả dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn