MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy hoạch phố đi bộ ở TPHCM: Cần giải bài toán về giao thông công cộng

PHƯƠNG NGÂN LDO | 13/08/2022 09:55

TPHCM – Quy hoạch phố đi bộ nhằm tạo nét riêng, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và du khách. Tuy nhiên, việc quy hoạch phố đi bộ cần phải hài hòa với giao thông và gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử nơi đó.

Vừa qua, Sở GTVT TPHCM có đề án về phát triển 22 tuyến đường trung tâm thành phố (TP) thành những tuyến phố đi bộ trong 3 năm tới, với mục tiêu hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế đêm.

Theo một số chuyên gia, phố đi bộ được khởi nguồn từ các nước Châu Âu, mục đích chính là phát triển nền kinh tế địa phương, phát triển cho những hộ kinh doanh ngay trên phố đi bộ. Về du lịch, phố đi bộ giúp thu hút du khách vì sự thông thoáng.

Quy hoạch phố đi bộ cần phải hài hòa với giao thông và gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử nơi đó 

“Người dân ở các nước trên thế giới rất thích hoạt động đi bộ, một thành phố đáng sống là một thành phố khuyến khích đi bộ. Chính vì thế, phố đi bộ đã trở thành phong trào của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, bởi nó tạo không gian công cộng cho những người sống trong môi trường chật hẹp” - GS.TS Phạm Thanh Hiền – Khoa Đô thị và Du lịch Trường Đại học Quebec - Canada, chia sẻ.

Theo GS.TS Phạm Thanh Hiền, bài toán về quy hoạch phố đi bộ rất khó, vì tại Việt Nam nói chung hay TPHCM nói riêng, số lượng phương tiện cá nhân lớn nhưng phương tiện công cộng còn hạn chế, để phát triển phố đi bộ cần phải giải quyết vấn đề cơ bản là giao thông đi lại.

Ở nước ngoài, phố đi bộ được đặt gần các trạm giao thông công cộng vì du khách thường không có phương tiện cá nhân để di chuyển, phải dựa vào hệ thống giao thông công cộng. Nếu TPHCM giải quyết được vấn đề giao thông công cộng xung quanh các phố đi bộ sẽ thu hút được khách du lịch, giảm tải được bãi đỗ xe.

“Nếu có nhiều bãi đỗ xe ở trung tâm TP, quanh phố đi bộ sẽ tạo ra xung đột, khách dễ bị chèo kéo. Việc giải quyết bài toán giao thông đi lại là vấn đề đầu tiên mà TP cần giải quyết khi quy hoạch phố đi bộ. Việc chặn xe máy chỉ là giải pháp tình thế còn giải pháp mang tính lâu bền phải quy hoạch lại giao thông công cộng”– GS.TS Phạm Thanh Hiền, nhấn mạnh.

Về không gian công cộng bên trong phố đi bộ, chuyên gia cho rằng, không gian bên trong phải thuận tiện cho người sử dụng. Ví dụ, ở TP nhiều người lớn tuổi thì bên trong phố đi bộ phải thiết kế những ghế ngồi cho người lớn tuổi nghỉ chân, dẫn chứng tại Canada đã áp dụng quy hoạch phố đi bộ có ghế dành cho người già. Bên cạnh đó, có thể thiết kế ghế có mái che để người dân có thể ngồi nghỉ chân trong thời tiết nóng bức.

Đặc biệt, phải phát triển không gian xanh bên trong phố đi bộ, tức có nhiều cây xanh hơn. Ví dụ, ở Canada họ tận dụng không gian công cộng trong phố đi bộ để trồng cây xanh, những cây loại nhỏ và họ sẽ mang chúng đi nơi khác để thay thế một loại cây khác trong một khoảng thời gian nhất định. Hay thậm chí làm những vườn rau nhỏ, dễ chăm sóc, tình nguyện viên sẽ đến chăm sóc và người dân sống xung quanh phố đi bộ có thể đến hái, nhưng không làm quá nhiều sẽ chiếm mất không gian công cộng.

Bên cạnh đó, trong phố đi bộ nên có không gian dành cho trẻ em, có nơi để trẻ em vui chơi, leo trèo.

Ngoài ra, quy hoạch phố đi bộ cần gắn liền với biểu tượng văn hóa, lịch sử nơi đó để tránh việc phố đi bộ mở ra nhưng không có người sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn