MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh nút giao lớn trên đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: TCIP

Sáng nay, khởi công Vành đai 3 TPHCM có tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 18/06/2023 06:31

TPHCM – Sáng ngày 18.6, dự án Vành đai 3 TPHCM sẽ chính thức được khởi công. Khi thông xe vào năm 2025, Vành đai 3 sẽ đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thông xe 4 làn cao tốc cuối năm 2025

Dự án Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng.

Trong đó, Vành đai 3 ở TPHCM dài hơn 47 km, qua TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng.

Vành đai 3 được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường có quy mô 6 - 8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành.

TPHCM là địa phương dự án đi qua nhiều nhất, đồng nghĩa diện tích mặt bằng cần thu hồi lớn nhất (410 ha/652 ha). Tuy nhiên, TPHCM lại là địa phương giải phóng mặt bằng nhanh nhất khi đạt 87% để đủ điều kiện khởi công sớm nhất. Các địa phương còn lại dự kiến khởi công dự án cuối tháng 6 và trong tháng 7.

Vành đai 3 qua TPHCM có gần 13 km đi trên cao, từ nút giao cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Tân Vạn. Ảnh: TCIP

Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án thành phần xây lắp ở TPHCM), dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành cơ bản và thông xe 4 làn cao tốc cuối năm 2025. Năm 2026, dự án sẽ hoàn thành đường song hành và hệ thống giao thông xung quanh.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, tiến đến ngày khởi công chỉ là bước đầu, sau đó còn nhiều thách thức cũng như nhiệm vụ phải tập trung thực hiện.

Đầu tiên là phải đảm bảo thi công đồng loạt 47 km dự án trên địa bàn TPHCM, trong đó vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng vừa phải hạn chế ảnh hưởng đến giao thông hiện hữu và sinh hoạt của người dân.

Việc giải phóng mặt bằng dù đạt gần 90% nhưng các địa phương không được chủ quan, cần phải giải phóng mặt bằng đảm bảo hoàn tất xong 100% trước ngày 31.12 năm nay.

Với vai trò điều phối, TPHCM cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để làm sao toàn tuyến được hoàn thành đúng kế hoạch.

Phối cảnh nút giao Vành đai 3 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TCIP

Đặc biệt, trong bối cảnh cả miền Nam làm cao tốc, Vành đai 3 TPHCM cần phải có nguồn vật liệu đáp ứng để không bị gián đoạn trong quá trình thi công.

Theo ông Lương Minh Phúc, thách thức lớn nhất là nguồn cát san lấp khi dự án cần 7,2 triệu m3 cát. "Chủ đầu tư sẽ tiếp tục tính toán và làm việc với các địa phương để có thêm nguồn vật liệu dự phòng đảm bảo liên tục quá trình triển khai dự án" - ông Phúc nói

Kỳ vọng đột phá từ Vành đai 3

Ông Lương Minh Phúc cho biết, với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TPHCM không chỉ liên kết 4 địa phương mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng.

Không gian đường Vành đai 3 cũng tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho cạn về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong vòng 5 - 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2 TPHCM, xúc tiến làm đường Vành đai 4 TPHCM và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, thì đường Vành đai 3 sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế trong điểm phía Nam.

Vành đai 3 khi hoàn thành năm 2025 sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: TCIP

Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án được đưa vào vận hành được kỳ vọng tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.

TPHCM từng rà soát sơ bộ khoảng 514 ha đất dọc tuyến Vành đai 3 do nhà nước quản lý, khi chưa có hạ tầng có thể đấu giá mang về gần 27.000 tỉ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn TPHCM còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.

Hiện TPHCM đã lập Tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn