MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe khách. Ảnh: Mỹ Lệ

Siết nồng độ cồn, nhiều tài xế xe khách, xe tải bỏ hẳn bia rượu

HỮU CHÁNH LDO | 10/01/2024 08:06

Nhiều tài xế quyết định bỏ hẳn rượu bia từ thời điểm siết chặt quy định về nồng độ cồn để đảm bảo sức khoẻ, không làm ảnh hưởng đến công việc.

Là lái xe vận tải khách tuyến Mỹ Đình - Sơn Tây (Hà Nội), sau mỗi ngày chạy xe, anh Lê Văn Hùng (40 tuổi) thường vẫn uống vài lon bia giải khát. Có những hôm vui bạn bè thì “quá đà” dẫn đến say, sáng hôm sau dù còn mệt nhưng vẫn phải chạy xe.

Nhưng đó là chuyện của 3 năm trước. Còn hiện tại, thói quen sử dụng bia, rượu của anh đã thay đổi "rất khác".

Nam tài xế chia sẻ, thu nhập bình quân chỉ khoảng 500.000 đồng/ngày nhưng nếu bị xử phạt vì lỗi có nồng độ cồn, nhẹ cũng mất đi 7 triệu đồng, xem như "đi tong" nửa tháng lao động vất vả.

"Đó là chưa kể bị giữ xe, tước giấy phép lái xe. Khi đó, tiền đâu để lo sinh hoạt của gia đình hằng ngày, tiền đâu cho con ăn học" - anh Hùng chia sẻ.

Đó là lý do suốt 3 năm nay, anh Hùng bỏ hẳn bia rượu. Nếu có vui cuối ngày với bạn bè cũng chỉ dùng nước lọc và các cuộc vui bên ngoài cũng hạn chế hẳn đi.

Nam tài xế cũng cho biết, cánh lái xe từng là bạn nhậu của anh đến nay đều tự giác chấp hành nghiêm theo quy định, hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe".

Trước đây, nhiều buổi chiều xong việc, anh Nguyễn Bá Hưng (lái xe chở hàng tuyến Bắc Ninh - Hà Nội) cùng anh em công ty vẫn hay uống ít bia rượu giao lưu vui vẻ rồi lái xe về.

Tuy nhiên, 4 năm nay, nam tài xế không còn uống rượu, bia khi tham gia giao thông vì sợ bị phạt với số tiền rất lớn và tước giấy phép lái xe trong thời gian dài.

Trong khi đó, việc uống rượu, bia hôm nay nhưng ngày mai vẫn có thể còn nồng độ cồn khiến tài xế 36 tuổi phải thận trọng. "Cách an toàn nhất là tôi bỏ hẳn rượu bia, để tránh trường hợp bị xử phạt ảnh hưởng đến công việc, đồng thời đảm bảo được sức khoẻ" - anh Hưng nói và mong sang năm mới, số vụ tai nạn giao thông, tỉ lệ bệnh tật do rượu bia sẽ giảm. Xã hội sẽ có kỷ cương, đời sống có văn hóa, văn minh...

Anh Hưng cũng cho biết, cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2024, ngoài nồng độ cồn, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các lỗi vi phạm giao thông khác như đi sai làn đường, chạy quá tốc độ...

"Cánh tài xế như chúng tôi cũng sẽ phải cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông dịp cuối năm, tránh những lỗi vi phạm không đáng có để có một cái Tết an toàn, ấm áp bên gia đình" - nam tài xế nói.

CSGT sẽ tăng cường kiểm tra nồng độ cồn với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ". Ảnh: Hữu Chánh

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an nhận định, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân là thời gian gia tăng tình trạng sử dụng rượu, bia tham gia giao thông.

Vì vậy, lực lượng CSGT toàn quốc tập trung đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ, song song với việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ.

Đồng thời, Cục CSGT cũng sẽ có các tổ, đoàn đôn đốc tập trung vào việc xử lý vi phạm là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm về ma túy, tốc độ, chở quá tải, quá khổ và cơi nới thành thùng xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn