MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ TNGT ngày 4.6.2022, tại tỉnh Hòa Bình làm 3 người tử vong. Ảnh: G.T

Tái bùng phát xe quá tải, quá khổ

Đặng Tiến LDO | 08/06/2022 10:02

Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 3 người chết tại Hoà Bình liên quan đến xe chở quá tải, cơi nới thành thùng, các chuyên gia cho rằng, cần siết chặt việc kiểm soát tải trọng xe và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Bùng phát và báo động

Trong vụ TNGT ngày 4.6.2022, tại Km472+960 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xóm Hợp Lý, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình làm 3 người tử vong, chiếc xe tải có kích thước thành thùng cao hơn 1,13m (chiều cao cơi nới gấp 2 lần so với chứng nhận đăng kiểm).

Trước đó, ngày 3.6.2022, tại ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng xảy ra vụ TNGT giữa ôtô tải và xe máy khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Các vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về xe chở quá khổ, quá tải bùng phát trở lại, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Để kiểm soát tải trọng xe, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trong phạm vi toàn quốc. Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện từ nơi bốc xếp hàng hóa; đồng thời cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác kiểm soát tải trọng xe.

Đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đăng kiểm thành lập các tổ công tác thực hiện khảo sát, ghi lại bằng hình ảnh các xe ôtô vận tải có dấu hiệu vi phạm về kích thước thành thùng xe, làm việc với các doanh nghiệp để xử lý các phương tiện vi phạm hoặc cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.

Theo đại diện Vụ An toàn Giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), từ tháng 4.2014 - 8.2016, khi liên Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi kết thúc kế hoạch phối hợp liên ngành, xe quá tải bắt đầu tái diễn, xuất hiện nhiều trên các đoạn quốc lộ, đường tỉnh, một số đoạn đường cao tốc, khu vực có công trình xây dựng, mỏ khai thác khoáng sản. Xe quá tải bùng phát trở lại nhức nhối và mức độ vi phạm chở quá tải càng nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài sẽ tàn phá đường rất nhanh.

Các chuyên gia cho rằng, việc vi phạm chở quá tải không phải là ngẫu nhiên mà là cố ý vì nó đem lại lợi ích cho một số người. Ngoài chủ xe, lái xe, không loại trừ lực lượng chức năng làm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo kê cho xe quá tải. Lãnh đạo một số địa phương cũng làm ngơ cho xe quá tải để phát triển kinh tế xã hội. Lợi ích chỉ một số ít người được hưởng nhưng cả xã hội phải chịu hậu quả của việc đường hư hỏng do xe quá tải gây ra.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh

Theo Chỉ thị 32/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm chính kiểm soát tải trọng xe cho các tỉnh. Người đứng đầu các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xe chở quá tải trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xe quá tải bùng phát trên nhiều tuyến đường, nhiều địa phương nhưng chưa có ai bị xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao trước đây đã từng làm được, xe quá tải đã giảm còn khoảng 10%. Vậy tại sao giờ lại không xử lý được xe quá tải.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - cho hay, hiện có đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý phương tiện vận tải. Thực tế, năm 2014-2016 chúng ta đã làm rất tốt việc kiểm soát tải trọng xe, trong các văn bản đã quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, hiện chúng ta đang có kẽ hở về pháp luật khi chưa quy định các đầu mối hàng hoá phải cân xe, theo quy định của Nghị định 158 về cân tài nguyên, khoáng sản khi ra khỏi khai trường mà không thực hiện cân phương tiện khi tham gia giao thông.

“Chúng ta đã từng làm được và sẽ làm được khi có Chỉ thị 32/2017 và có chỉ đạo của Cục CSGT và Bộ GTVT” - ông Hùng cho hay.

Theo ghi nhận, việc quá tải hiện chủ yếu xảy ra tại các mỏ khoảng sản, công trình xây dựng cơ bản, trong đó các công trình xây dựng của ngành giao thông là nhiều nhất.

Một doanh nghiệp vận tải thông tin, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế được mở trở lại, từ Trung ương đến địa phương đều đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, đầu tư hạ tầng là ưu tiên số 1, do đó việc thúc tiến độ và siết quản lý chi phí trong khi giá nhiên liệu và giá nhân công tăng chóng mặt, tạo áp lực trực diện lên các công trình, lên vai các chủ đầu tư nên nhiều phương tiện buộc phải chở quá tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn