MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 tại TPHCM. Ảnh: ANH TÚ

Tai nạn giao thông gây thiệt hại từ 350 - 500 tỉ đồng/năm

NHÓM PV LDO | 18/11/2019 16:10

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10.2019, toàn quốc có hơn 6.300 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều gia đình đang hạnh phúc, yên ấm nhưng TNGT bỗng chốc cướp đi những người thân yêu nhất, đẩy cuộc sống của họ vào cảnh cùng cực của nỗi đau dai dẳng.

Mẫu tử chia lìa vì… tai nạn giao thông

Ngày 17.11, Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh với hơn 1.200 người tham dự. Khi phóng sự về những hình ảnh TNGT được chiếu lên màn hình lớn, đã gợi lên nỗi thương cảm không chỉ trong lòng người tham dự mà còn là nỗi ám ảnh, mất mát của chính những người có người thân tử nạn vì TNGT.

Chúng tôi bắt gặp giọt nước mắt đau đớn của chị Đỗ Thị Minh Phú (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Chị Phú kể, con trai là Đặng Quốc Bình Tỷ (18 tuổi) - tài xế Grabike, tử nạn sau TNGT vào chiều 16.9.2017, sau khi va quẹt một chiếc xe container đi cùng chiều tại cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh). Tối hôm trước ngày gặp nạn, em Tỷ vẫn còn dặn mẹ mai gọi em thức dậy sớm để lên Cty họp. Sáng hôm đó, như mọi ngày, trước khi đi làm, chị Phú cũng dặn con đi đường cẩn thận. Nhưng chị không biết rằng đó là lần cuối cùng chị nhắc nhở và tiễn con đi làm. Trong buổi chiều định mệnh đó, chị Phú nhận được tin dữ con mình bị tai nạn, khi tức tốc về nhà, thì con đã mất.

“2 năm rồi nhưng giờ thấy người ta có con gọi mẹ ơi là tôi đau lắm. Không có nỗi đau nào sánh bằng cảnh “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” khi con mình vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi còn bao dang dở về ước mơ sự nghiệp, về một gia đình hạnh phúc. Thời gian, tiền bạc nào có thể thay thế, lấp đầy nỗi mất mát lớn lao này. Tai nạn của con tôi chính là lời cảnh tỉnh cho những người cầm tay lái, đừng chỉ vì “Nhanh một phút, chậm cả đời” để không chỉ phải trả giá bằng mạng sống của chính mình mà còn để lại nỗi đau dai dẳng cho người ở lại” - chị Phú chia sẻ.

Dường như những lời chị Phú nói đã chạm đến tận cùng nỗi đau của mình nên chị Hồ Thị Hằng (quận 6) bưng mặt khóc nức nở. Chị Hằng cũng là một người mẹ có con trai tử nạn vì TNGT. Nhưng con trai của chị còn nhỏ tuổi hơn con chị Phú, em chỉ mới 14 tuổi. Chị Hằng kể, do nhà nghèo nên con trai của chị phải học lớp học tình thương để biết được con chữ. Buồn thay, trong 1 lần tham gia giao thông, em đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao ước mơ còn chưa kịp thực hiện.

“Mọi chuyện đến với tôi rất đột ngột. Nghe tin con trai qua đời tôi choáng váng không biết chuyện gì đang xảy ra. Con trai qua đời làm tinh thần gia đình tôi suy sụp nghiêm trọng. Mấy năm rồi mà tôi lúc nào cũng thương nhớ con. Mong rằng tất cả mọi người khi tham gia giao thông hãy cẩn thận, đừng ai gặp hoàn cảnh giống như con tôi” - chị Hằng nghẹn ngào.

Phía sau tay lái là người thân

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông làm 6.318 người chết, 10.873 người bị thương. Mỗi ngày có khoảng hơn 20 người Việt Nam ra đường không bao giờ trở về. Trong đó, đa số người bị tai nạn rơi vào độ tuổi từ 18 đến 55 - độ tuổi lao động, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Thiệt hại do TNGT là 350 - 500 tỉ đồng mỗi năm.

Khẳng định tại Lễ tưởng niệm - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những tổn thất, di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức người thân, bạn bè người bị nạn. “Phía sau đó còn là hàng nghìn tổ ấm bị tổn thương, hàng chục nghìn em nhỏ mất đi cha, mẹ, hàng nghìn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa. Ai trong chúng ta không đau xót khi hình dung ra cảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức dậy giữa đêm khóc mẹ, tìm cha không thấy?” - Phó Thủ tướng xúc động nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn, hạn chế số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, của ngành giao thông và của cả hệ thống chính trị. “Phải cùng nhau xây dựng ý thức và thực hành văn hóa giao thông, nhường nhịn giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để cùng nhau xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện để mỗi người Việt Nam và bạn bè luôn có cảm giác an lành khi ra đường, để không còn ai phải lo sợ, phấp phỏng vì tai nạn giao thông” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.Hồ Chí Minh (PC08), trong 11 tháng năm 2019, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh xảy ra 645 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 594 người và bị thương 144 người. Theo PC08, tuy tai nạn giao thông được kéo giảm cả 3 mặt nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất lớn. Qua phân tích 645 vụ tai nạn giao thông xảy ra nhận thấy, 70% số vụ xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, nổi cộm ở nguyên nhân là lưu thông không đúng phần đường; vi phạm tốc độ; nồng độ cồn; tránh vượt sai quy định; lưu thông vào đường cấm, ngược chiều. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông xảy ra nạn nhân có đội mũ bảo hiểm nhưng do không cài quai đúng quy cách, không làm chủ tốc độ gây đa chấn thương dẫn đến tử vong. M.Q

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn