MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tâm tư lái, phụ xe sau thông tin 6 tuyến buýt ở Hà Nội có thể bị dừng chạy

Tô Thế LDO | 13/01/2024 06:25

Nhiều lái, phụ xe hụt hẫng sau khi nghe thông tin 6 tuyến xe buýt ở Hà Nội có thể phải dừng hoạt động do đạt doanh thu thấp, thành phố phải trợ giá cao.

Nói không hoang mang là nói dối

Những ngày qua, thông tin về việc Sở GTVT Hà Nội đề xuất dừng khai thác 6 tuyến buýt (số 10, 14, 18, 44, 45, 145) từ ngày 1.4.2024 được dư luận quan tâm.

Theo Sở GTVT Hà Nội, qua rà soát, Sở tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần phải xem xét điều chỉnh. Trong đó có 6 tuyến buýt được đề xuất dừng hoạt động do đạt doanh thu thấp, ngân sách thành phố phải trợ giá cao.

"Với phương án trên, thành phố sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm được là khoảng 212,23 tỉ đồng/năm" - Sở GTVT nêu trong đề xuất.

Chia sẻ với PV báo Lao Động, một tài xế đã gắn bó với tuyến buýt 44 (lộ trình Bến xe Mỹ Đình - Trần Khánh Dư) hơn 5 năm cho biết, nếu nói không hoang mang trong thời điểm này là nói dối.

Theo đó, thông tin đề xuất dừng hoạt động 6 tuyến buýt thì họ chỉ mới biết khi báo chí đăng tải.

"Bên xí nghiệp chưa có thông báo gì, nhưng đọc được thông tin như vậy cũng tâm tư lắm chứ. Chắc chắn khi đề xuất thì các đơn vị liên quan cũng đã có đánh giá kỹ nên chúng tôi không ý kiến gì, nhưng ít nhiều khi điều chỉnh cũng sẽ ảnh hưởng đến lái, phụ xe trên tuyến" - tài xế này chia sẻ.

Tuyến buýt 44 thường đông khách vào các khung giờ cao điểm, các khung giờ khác khá vắng. Ảnh: Tô Thế

Qua tìm hiểu, hiện tuyến buýt số 44 có 6 xe (mỗi xe có 4 nhân viên), tần suất chạy là 20 - 30 phút/chuyến (giờ cao điểm tắc đường có thể hơn). Theo một phụ xe tuyến buýt này chia sẻ, có thể do số xe ít, tần suất chuyến lâu nên lượng khách sử dụng bị sụt giảm.

"Khách tuyến này trước rất nhiều, giờ chỉ tập trung vào các khung giờ cao điểm sáng và tối. Ai cũng vậy thôi, nếu không chắc chắn được rằng khi sử dụng xe buýt có thể đến chỗ làm đúng giờ, không phải chờ đợi lâu thì họ sẽ tìm phương án khác. Nếu bây giờ tăng lượng xe, tần suất các chuyến được rút ngắn thì tôi nghĩ lượng khách sẽ ổn định" - một phụ xe chia sẻ.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, lao động lái xe buýt hiện đang bị thiếu hụt, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và năng lực đáp ứng dịch vụ của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Cùng tâm trạng hoang mang, nhiều lái, phụ xe tuyến buýt số 14 (lộ trình Bờ Hồ - Cổ Nhuế) cũng chưa rõ tương lai sẽ thế nào. Theo tìm hiểu, hiện tuyến buýt số 14 có 10 xe (4 nhân viên/xe). Nếu phải dừng hoạt động, có ít nhất 40 nhân viên phải thay đổi vị trí làm việc.

Có nhất thiết phải dừng khai thác 6 tuyến buýt?

Ngoài nhân viên phục vụ trên tuyến, việc dừng hoạt động với 6 tuyến buýt ít nhiều cũng sẽ khiến việc đi lại của hành khách bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Vĩnh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ông là "khách ruột" của tuyến buýt số 14, bởi đây là phương tiện di chuyển hàng ngày. Khi biết thông tin về đề xuất dừng 6 tuyến buýt, ông Vĩnh rất bất ngờ, bởi theo ông "tăng thì chả tăng mà còn giảm".

"Khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng mà giờ lại bỏ. Tôi nghĩ nên xem xét lại đề xuất này" - ông Vĩnh chia sẻ.

Đa số hành khách tuyến buýt 14 là người cao tuổi, được hưởng chính sách vé miễn phí. Ảnh: Tô Thế

Còn theo bà Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội), việc dừng hoạt động hay không do sự tính toán của các cấp quản lý, tuy nhiên dưới góc độ một người sử dụng xe buýt là phương tiện chính, bà Nguyệt cho rằng chỉ nên điều chỉnh làm sao cho hợp lý, có thể thay đổi tần suất, giảm xe... chứ không nên dừng hẳn.

Khảo sát của PV Báo Lao Động với nhiều người thường xuyên sử dụng xe buýt cho thấy, việc dừng hẳn một tuyến buýt có lẽ là phương án cuối cùng được tính đến trong vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, nếu bắt buộc dừng thì phải có phương án thay thế để không gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn