MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (TP Hà Nội). Ảnh: Phạm Đông

Tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị là rất cần thiết

Phạm Đông LDO | 18/11/2019 19:42

Theo các chuyên gia giao thông, việc điều chỉnh lại các tuyến buýt bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị là việc làm cần thiết, cần sớm triển khai thực hiện.

Đánh giá về phương án điều chỉnh hàng chục tuyến buýt theo hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị, trao đổi với Lao Động ngày 18.11, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc tổ chức kết nối buýt theo phương án sẽ tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố là điều rất cần thiết. Đồng thời phương án này cũng giúp giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, xe buýt vào từ cửa ngõ Tây Nam thành phố, áp lực giao thông vì thế cũng sẽ giảm. 

Theo ông Bùi Danh Liên, sau khi tuyến đường sắt đô thị phát triển đầy đủ, thậm chí tuyến này có thể kéo dài thêm nữa thì việc điều chỉnh, phát triển xe buýt đưa đón hành khách trong các khu dân cư đến các điểm dừng đón khách của tuyến đường sắt là việc tất yếu phải làm. Điều này sẽ vừa đảm bảo thuận tiện cho các thành phần giao thông chung, đồng thời tăng cường tiếp cận cho hành khách đi tàu. Giao thông đi bộ dọc hành lang và quanh nhà ga sẽ được cải thiện.

"Phương án này đã được rất nhiều các nước trên thế giới áp dụng và thành công. Tuy nhiên, các ngành giao thông ở Hà Nội cần lưu ý vấn đề cơ sở hạ tầng, cần có nhà ga đủ rộng để xe buýt ra vào đón khách, quãng đường và mật độ xe buýt cũng phải được điều chỉnh phù hợp" - ông Bùi Danh Liên chia sẻ.

Hà Nội hướng tới việc phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối đường sắt đô thị. Ảnh: Phạm Đông

Cùng trao đổi với Lao Động về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội, cho rằng mỗi thành phố cần 10-15 tuyến, nhưng làm thật tốt (đúng giờ, chất lượng phục vụ tốt..) mới có cơ hội thu hút người dân bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt. Việc phát triển nhiều tuyến mà không đồng đều chất lượng sẽ không hiệu quả.

“Việc các cấp chính quyền có sự điều chỉnh lại mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị hiện nay là việc làm đúng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, nếu chỉ phát triển tuyến đường sắt chạy đơn độc sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho hành khách, không mang lại hiệu quả"  - TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Nói tiếp về giải pháp phát triển vận tải công cộng với hạ tầng đường sắt đô thị TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, khi điều chỉnh và phát triển xe buýt với đường sắt đô thị thì cần có bảng hành trình cho người dân. Tàu điện không chỉ tiếp nối với xe buýt mà cần tiếp nối cả với taxi để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, hiện tại cơ sở hạ tầng của Hà Nội đã có, ngành giao thông chỉ cần điều chỉnh lại là có thể đưa vào hoạt động. Để phát triển được giao thông công cộng, trước tiên Nhà nước cần quyết tâm và đầu tư hơn nữa, phải để giao thông công cộng đi trước một bước. 

Vận tải công cộng không chỉ có xe buýt mà còn có các tuyến vận tải đường sắt đô thị, BRT, xe buýt gom. Hệ thống đó phải đồng bộ và phủ khắp thành phố chứ không chỉ một đoạn tuyến, vài tuyến lẻ tẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn