MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp sử dụng rượu bia trên đường Trung Kính (Hà Nội) vẫn lái xe. Ảnh chụp chiều 1.1.2020. Ảnh: Tùng Giang

Tăng mức phạt với lái xe sau khi uống rượu bia, nhiều người vẫn vi phạm

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 02/01/2020 08:23

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 và được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tác hại do rượu bia gây ra. Trong đó là giảm tai nạn giao thông đối với người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường. Đặc biệt, luật còn điều chỉnh nhiều hành vi khác khi đã uống rượu bia. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp vẫn còn đang “phớt lờ” những quy định này. Theo cán bộ Cục CSGT - Bộ Công an, những trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. 

Nhiều trường hợp vẫn “phớt lờ” quy định “đã uống rượu bia là không lái xe”

Ngày 1.1.2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại nhiều nhà hàng bán rượu bia, quán nhậu trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ… không quá đông người. Tại nhiều quán nhậu, nhà hàng có bán rượu bia vẫn có một số thực khách sau khi vào quán, khi ra về dù đã có quy định “uống rượu bia thì không lái xe” nhưng nhiều trường hợp sau cuộc nhậu vẫn vô tư sử dụng phương tiện cá nhân để tham gia giao thông.

Theo quan sát vào khoảng 12h ngày 1.1, tại nhà hàng Bia hơi (số 299, Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), vẫn có nhiều trường hợp vi phạm. Sau cuộc “liên hoan”, nhiều người vẫn chở nhau bằng xe máy ra về dù trước đó đã sử dụng bia hơi. Một số người rời quán nhậu trong trạng thái “bước thấp, bước cao” nhưng vẫn lái xe. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một quán bia khác nằm trên đường Láng (số 1150 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Một số khách hàng còn điều khiển phương tiện cá nhân ngược chiều sau khi rời khỏi quán.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đêm giao thừa ngày 1.1, phóng viên đã đến nhiều khu vực được xem là địa điểm nhậu đêm của Thành phố, để ghi nhận. Tại quán nhậu số 275 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, mặc dù đồng hồ đã điểm sang 1h30 sáng 1.1.2020, nhưng các bàn trong quán vẫn đông khách. Nhiều khách đa phần là người điều khiển xe máy và xe ôtô nhưng vẫn liên tục nâng ly và cụng cạn ly tới bến. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người sau khi nhậu xong đã ngà ngà say nhưng vẫn vô tư ra lấy xe máy hoặc ôtô rồi tự lái xe về.

Cũng liên quan tới vấn đề này, một số chủ cửa hàng bia, rượu cũng đã bắt đầu đưa ra những lời khuyên và nhắc nhở đối với khách hàng để tránh vi phạm Luật và đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và những người khác. Ông Lê Văn Thiện (sinh năm 1971, chủ một nhà hàng ở 157 trên phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện nay, cửa hàng của ông đã chuẩn bị một khoảng diện tích nhằm để phương tiện của khách hàng có sử dụng đồ uống có cồn tại cửa hàng. Đồng thời nhân viên của cửa hàng cũng được hướng dẫn đặt và bắt xe hỗ trợ khách hàng, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của khác.

“Trước đây cũng đã có Luật giao thông đường bộ quy định về các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ở phía quán, chúng tôi luôn nhắc nhở khách hàng về việc tuân thủ các quy định và hỗ trợ việc đặt xe, gọi xe cho khách. Tuy nhiên thực tế, việc chấp hành các quy định này đến đâu còn tùy thuộc vào từng người. Vì đây là thói quen của nhiều người. Hiện, chúng tôi cũng đã dán các thông báo về quy định “đã uống rượu bia là không lái xe” và các thông tin liên quan để khách hàng nắm được, tránh vi phạm” - ông Thiện cho biết.

Xử phạt nặng hơn nhiều lần

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đồng thời có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Theo Nghị định mới, các lỗi vi phạm giao thông đường bộ như: Nồng độ cồn vượt mức cho phép, sử dụng ma tuý, đi không đúng phần đường, đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ, vượt xe không đúng quy định,… sẽ bị tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần so với trước đây.

Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Từ nay đến 14.2, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Từ đó giúp người dân thấy được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong cơ thể có cồn và người dân phải tự có ý thức đã uống thì không lái xe. Tiếp đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung lực lượng cũng như các thiết bị kỹ thuật và phối hợp với cả các cơ quan khác để tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo hiệu lực và đảm bảo luật phòng chống tác hại rượu bia đi vào đời sống.

Cũng theo ông Nhật, cần hoàn thiện thể chế kết nối xử lý vi phạm giao thông và những vi phạm khác thì luật Phòng, chống tác hại rượu bia mới đi vào đời sống. “Nhìn vào thực tế thấy rõ, thời gian qua có nhiều việc hết sức nghiêm trọng xảy ra. Do đó việc cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là điều hết sức nên làm” - Thượng tá Nhật nói.

Liên quan tới việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, Trung tá Vũ Hồng Ánh, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 1 cho biết: “Không chỉ cao điểm, đây cũng là công việc hằng ngày của chúng tôi. Việc kiểm soát chặt tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe nhằm bảo vệ tính mạng cho chính tài xế cũng như người tham gia giao thông. Đội luôn quán triệt tinh thần xử lý nghiêm bất cứ trường hợp nào vi phạm”.

* Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần phải làm rõ một số khái niệm và hướng dẫn cụ thể để luật hóa vào cuộc sống. Việc cấm uống rượu, bia và ép sử dụng rượu bia cũng cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn. Ví dụ như thế nào là ép, có phải là cố yêu cầu người khác sử dụng rượu bia 1 lần, 2 lần, hay 3 lần hoặc nhiều hơn trong cuộc nhậu mới gọi là ép cũng phải quy định rõ ràng. Nhưng điều quan trọng là chế tài xử phạt, liệu ai sẽ giám sát và xử phạt trong việc này.

* Theo Cục Cảnh sát giao thông, một tháng trước khi triển khai thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu xuân 2020, từ 15.11 đến 14.12, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý gần 4.000 trường hợp vi phạm trên các tuyến giao thông, phạt tiền hơn 200 tỉ đồng và phát hiện gần 700 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, môi trường...

* Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TPHCM cho biết, sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, thời gian tới Phòng PC08 sẽ tiến hành nhiều đợt tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Cao Huân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn