MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàu Cát Linh - Hà Đông đông đúc: Tín hiệu mừng cho giao thông Thủ đô

Nhóm PV LDO | 30/10/2022 11:00
Lượng hành khách sử dụng tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông trở nên đông đúc với những phản hồi tích cực. Đây được xem là tín hiệu mừng cho giao thông Thủ đô trong bối cảnh vấn đề tắc đường vẫn chưa được giải quyết.

Phản hồi tích cực từ hành khách

Giờ cao điểm buổi sáng trên một chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông hướng về Trung tâm Hà Nội, các toa tàu gần kín hết chỗ, người ra vào liên tục tại các nhà ga, người tranh thủ chợp mắt trên đường đi làm, người nghe nhạc, người đọc báo. Những ngày qua, hình ảnh chuyến tàu trên cao đông đúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô, đặc biệt là với những người thường xuyên đi, hay chọn tàu trên cao làm phương tiện chính thì càng không còn xa lạ. Đặc biệt sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, và mới đây, học sinh sinh viên quay trở lại trường, lượng khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới này bắt đầu tăng lên. 

Người dân chờ tàu ở ga Vành đai 3 trong giờ cao điểm buổi sáng. Ảnh: Hữu Chánh 

Bạn Hoàng Hải – một sinh viên trên địa bàn Hà Nội cho biết, trước đây khi chưa có tàu Cát Linh – Hà Đông, Hải đi xe bus phải chờ khá lâu với lượng khách rất đông. “Bình thường mình đi từ nhà đến cơ quan mất khoảng 1 tiếng 30 phút, bây giờ khi sử dụng tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông chỉ mất khoảng 50 phút”. Cũng theo Hải, nếu như có nhiều hơn một tuyến đường Cát Linh thì rất tốt vì như thế người dân có thể đi được nhiều nơi hơn. 

“Trước đây thời gian tàu đến có thể hơi lâu, tầm 10 phút nhưng bây giờ, vào những giờ cao điểm rút còn 6 phút 1 chuyến tôi thấy ổn hơn. Thứ hai là nếu như có cả các tuyến đường khác nữa thì còn tuyệt vời hơn. Những ngày mát mẻ như thế này rất thích nhưng vào những ngày nắng mưa thì thật sự rất tiện. Tôi đi tàu Cát Linh được đi thẳng, không gặp tình trạng tắc đường” – chị Nguyễn Bích Ngọc (một nhân viên văn phòng Hà Nội) cho hay.

Hình ảnh các toa tàu đông đúc. Ảnh: Hữu Chánh 

Còn chị Nguyễn Phương Trinh (29 tuổi, Hà Đông) cho biết: "Trước đây, tôi phải di chuyển khoảng 40 phút cho quãng đường 5km từ nhà tới cơ quan. Thời điểm tàu điện đi vào hoạt động, tôi gần như không sử dụng phương tiện cá nhân bởi đi tàu vừa nhanh, thuận tiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe".

Tín hiệu tích cực cho giao thông Thủ đô

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội (Metro Hanoi), hiện nay, đường sắt Cát Linh-Hà Đông mỗi ngày có khoảng 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000-28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa. Khách đi lại thường xuyên là 5.000-6.000 người.

Theo đó trong thời gian khai thác từ 6.11.2021- 28.10.2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được gần 7,2 triệu hành khách.

Ghi nhận của PV Lao Động, khác với một số tuyến xe buýt khá vắng, tàu Cát Linh - Hà Đông lại đông đúc vào giờ cao điểm. Trong ảnh là một nhóm hành khách đang vội vã lên tàu ở ga Cát Linh trước giờ khởi hành. Ảnh: Hữu Chánh 

Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6.11 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm.

Vé tàu được ngân sách thành phố trợ giá gồm các loại: vé lượt (8.000-15.000 đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140.000 đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí). 

Từ ngày 1.9.2022, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chuyển sang giai đoạn 2 của năm đầu khai thác, giờ bình thường chạy tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn, cao điểm chạy giãn cách 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu với lượng khách tăng khoảng 15%. 

Một nguyên nhân khiến lượng hành khách tăng trong thời gian qua là do các hoạt động đời sống, kinh doanh đã mở cửa trở lại và cách tiếp cận về phòng chống dịch COVID-19 đã linh hoạt, số lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại; giá nhiên liệu tăng cũng là một trong các yếu tố khiến nhu cầu khách đi lại cao hơn. 

Ghế ngồi không còn chỗ, theo đó hành khách phải đứng thành hành dài từ đầu đến cuối toa. 

“Bước đầu tuyến đường sắt đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Công tác vận hành theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Metro Hanoi đã đưa ra” - ông Trường cho hay. 

Có thể thấy người dân Thủ đô đang dần thay đổi thói quen, sử dụng phương tiện công cộng thay thế phương tiện cá nhân – đây là một tín hiệu đáng mừng cho giao thông Thủ đô khi mà vấn đề ùn tắc đang rất nhức nhối. Tuy nhiên, hiện Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến metro, việc kết nối giữa các vùng còn hạn chế. Người dân kỳ vọng các tuyến metro đang triển khai sẽ đúng tiến độ để mạng lưới được phủ khắp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn