Theo đó, mỗi tổ có từ 10 đến 20 cán bộ chiến sĩ (CBCS), bao gồm lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng Cảnh sát Cơ động, CBCS thuộc đội CSGT-Trật tự và lực lượng Công an các xã, thị trấn.
Các tổ công tác này được trang bị đầy đủ phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera cầm tay, camera mini, máy đo nồng độ cồn…), thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tất cả tuyến đường của 27 địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết xử lý những trường hợp người vi phạm có dấu hiệu, biểu hiện không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ xử lý nghiêm đối tượng chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Thời gian thực hiện, bắt đầu từ ngày 6.10.2023 đến hết ngày 26.11.2023. Mỗi tuần các tổ công tác sẽ luân phiên thay đổi một địa bàn, tập trung cao độ xử lý vào những ngày cuối tuần (thứ 6, thứ 7 và chủ nhật).
Trong ngày đầu tiên ra quân (6.10.2023), 04 tổ công tác đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp vi phạm (trong đó: 07 trường hợp ôtô, 34 trường hợp môtô); phạt tiền 224.200.000 đồng; tạm giữ 37 trường hợp, tước giấy phép lái xe, kiểm định, phù hiệu 32 trường hợp. Đề nghị ra thông báo cán bộ công chức, viên chức, đảng viên vi phạm 03 trường hợp.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường xử lý triệt để vi phạm nồng độ cồn, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hoá “Đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; quá trình xử lý vi phạm phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nghiêm cấm mọi sự can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm, tất cả “Vì tính mạng, sức khoẻ, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông”.