MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tháo gỡ vướng mắc giấy phép 6 mỏ đất để làm cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

DUY TUẤN LDO | 16/03/2023 11:38

Bình Thuận - Mặc dù tại Nghị quyết 31 ngày 7.3 của Chính phủ đã cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác 6 mỏ đất để thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết , nhưng thực tế vẫn còn vướng mắc.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km với 4 gói thầu đi qua tỉnh Bình Thuận có vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng. Hiện sản lượng đã hoàn thành 75% so với hợp đồng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12.2022 đến nay, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết bị thiếu hơn 900.000 m3 đất đắp nền để làm 148km đường gom dân sinh, các cầu vượt bắc ngang qua tuyến cao tốc.

Công nhân lắp dải phân cách trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

Khó khăn về nguồn đất đắp đường gom, cầu vượt

Theo Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), ban đầu dự án trên dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2022 nên UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp phép khai thác cho 6 mỏ đất đá: Bình An, Hòn Lúp, mỏ tại xã Sông Lũy và Bình Tân, mỏ đất thôn Phú Thái - xã Hàm Trí, mỏ đất Lâm Giang - xã Hàm Trí, mỏ thôn 2 - xã Hàm Cần với thời hạn khai thác đến ngày 10.12.2022 để phù hợp tiến độ ban đầu.

Mỏ Hòn Lúp là 1 trong 6 mỏ khoáng sản chờ được gia hạn để khai thác phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên dự án chậm so với tiến độ được duyệt và không thể hoàn thành đúng với hợp đồng ban đầu. Từ thời điểm hết hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đặc thù này đến nay, các nhà thầu phải tự chủ động đi mua nguồn đất đắp thương mại ở ngoài và cả tận dụng lại nguồn đất còn dư của tuyến chính.

Cần đất đắp để thi công đường gom dân sinh dọc theo cao tốc. Ảnh: Duy Tuấn

UBND tỉnh Bình Thuận và đơn vị chức năng đã có các văn bản trình Chính phủ xin "cơ chế đặc thù" để tiếp tục gia hạn 6 giấy phép khai thác đất đắp nền phục vụ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để kịp tiến độ đưa vào sử dụng dịp 30.4.2023. Ngày 23.2, Bộ TNMT có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tất cả 6 giấy phép khai thác đất nền đã hết hạn khai thác, nay không thể gia hạn theo quy định tại khoản 1, điều 55 của Luật Khoáng sản, do đó, việc gia hạn là không có cơ sở.

This browser does not support the video element.

Vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong giấy phép khai thác 6 mỏ đất của UBND tỉnh Bình Thuận. Clip: Duy Tuấn

Được tháo gỡ nhưng lại tiếp tục vướng mắc

Trong Nghị quyết 31 ban hành ngày 7.3.2023 của Chính phủ có nội dung đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường).

Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đi kiểm tra 2 dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và Vĩnh Hảo-Phan Thiết ngày 15.3. Ảnh: Duy Tuấn

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chiều 15.3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho rằng theo nội dung Nghị quyết 31 cho tỉnh cấp lại giấy phép khai thác 6 mỏ đất để tiếp tục thi công cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, nhưng địa phương chưa thể thực hiện.

Máy móc nằm im chờ có vật liệu thi công. Ảnh: Duy Tuấn

Lý do là từ "cấp lại" không có trong quy định pháp luật về khoáng sản, chỉ có "gia hạn" hoặc "cấp mới". Do đó, có thể hiểu Nghị quyết của Chính phủ là cho "cấp mới" giấy phép, tức các chủ mỏ lại phải thực hiện đến 12 thủ tục, sẽ rất khó khăn. Nếu trừ đi 2 thủ tục được miễn theo Nghị quyết 31 là không phải lập lại thủ tục đầu tư dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường thì 10 thủ tục còn lại vẫn phải thực hiện, nhanh nhất cũng mất 6 tháng.

Công nhân thi công trên cầu vượt cao tốc. Ảnh: Duy Tuấn

Như vậy không thể kịp tiến độ 30.4.2023. Ngoài ra, theo quy trình thủ tục, muốn cấp mới giấy phép, tỉnh phải làm thủ tục đóng cửa mỏ trước và phải phục hồi môi trường, sau đó mới làm các thủ tục tiếp theo.

Trong khi đó, đầu tháng 5 là mùa mưa đến, lúc này lại tiếp tục khó khăn ở vấn đề thời tiết bởi mưa thì không thể thi công.

Kiến nghị cho phép gia hạn giấy phép 6 mỏ đất

Về vướng mắc trong vấn đề cấp phép 6 mỏ đặc thù phục vụ thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, phát biểu trong buổi làm việc chiều 15.3 tại UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã báo cáo và giải trình với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

This browser does not support the video element.

Chỉ đạo giải quyết vướng mắc về vật liệu đất đắp thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Clip: Duy Tuấn

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm báo cáo trình bày về khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện theo điều 25, Nghị quyết 31 ngày 7.3.2023. Trong đó, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nêu trong Nghị quyết nhưng nếu thực hiện theo thì không đảm bảo về mặt thời gian, tiến độ cung cấp nguyên vật liệu cho việc thi công dự án theo thời hạn 30.4 phải khánh thành.

Từ đó, kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh gia hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đất đặc thù nêu trên. Phía Bộ GTVT cũng sẽ có văn bản kiến nghị để Chính phủ xem xét.

Đoạn đầu cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết khi đang thảm nhựa. Ảnh: Duy Tuấn

Hiện Bộ Giao thông Vận tải vẫn quán triệt mục tiêu và quyết liệt chỉ đạo ban quản lý dự án và các đơn vị thi công phải đảm bảo tiến độ đến 30.4.2023 khánh thành đưa vào khai thác tuyến chính 2 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn