MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thông tin ăn hoa quả bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác

D.N.C LDO | 11/01/2020 08:01
Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an khẳng định không có chuyện người dân ăn hoa quả hoặc uống siro mà bị xử phạt vi phạm về nồng độ cồn.

Nghị định 100/2019 có rất nhiều điểm mới so với Nghị định 46/2016, nổi bật là các quy định nâng cao mức phạt về vi phạm nồng độ cồn. Chín ngày kể từ khi có hiệu lực, Nghị định này là tâm điểm chú ý của dư luận.

Bên cạnh sự ủng hộ, nhiều ý kiến còn băn khoăn xung quanh những quy định mới về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Điển hình là việc ăn hoa quả hoặc uống siro có thể bị xử phạt, lo ngại tình trạng “cưa đôi” giữa CSGT và người vi phạm….

Tuy nhiên, tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2019, Cục CSGT đã có những giải đáp để người dân có thể hoàn toàn yên tâm về các vấn đề trên.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết TNGT - cho biết, ngay khi xuất hiện thông tin ăn hoa quả hoặc uống siro có thể bị xử phạt nồng độ cồn, Cục trưởng Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng tổ chức thực nghiệm tình huống này.

Kết quả cho thấy khi ăn các loại hoa quả ngọt (nho, dứa…), qua kiểm tra không phát hiện được cồn. Đối với các loại siro ho, ban đầu cho chỉ số từ 0,6-1, thậm chí là 1,2 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ cần người uống chờ từ 2-5 phút hoặc uống nước, chỉ số này về 0. Do vậy, thông tin ăn hoa quả mà bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác.

Nhấn mạnh điều này, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT - khẳng định không có chuyện ăn hoa quả hay uống siro mà bị xử phạt. Cục CSGT đã quán triệt tới các đơn vị chức năng nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại. Nếu kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại, nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.

Đối với lo ngại về tình trạng người vi phạm và CSGT “cưa đôi”, Trung tướng Dũng cũng khẳng định ngành Công an nói chung và CSGT nói riêng có đủ các biện pháp để phòng ngừa tiêu cực.

Theo Cục CSGT, trong 7 ngày kể từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt trên 25.000 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách trên 22 tỉ đồng. Trong đó, 3.785 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, số tiền xử phạt là hơn 12,5 tỉ đồng.

Các địa phương có số lượng vi phạm về nồng độ cồn cao nhất là Tây Ninh, Đắk Lắk, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội…

Trong năm 2019, lực lượng CSGT bằng những nỗ lực vượt bậc đã có nhiều kết quả quan trọng, trong đó là việc TNGT giảm về cả ba tiêu chí.

Đáng chú ý, lần đầu tiên lực lượng CSGT đường sắt đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với nhân viên đường sắt và cán bộ vận hành an toàn chạy tàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn