MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí không dừng trên quốc lộ 5A. Ảnh: PV

Thu phí không dừng: Kỳ vọng không còn tối hậu thư

Minh Hạnh LDO | 20/03/2020 08:19

Dự án thu phí tự động không dừng đã nhiều lần chậm tiến độ do vướng mắc giữa đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và nhà đầu tư. Sau nhiều lần trì hoãn, gia hạn và đàm phán đến nay dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 đang có những bước tiến triển khả quan về tiến độ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Viettel chính thức tham gia dự án.

Hệ thống thu phí tự động (ETC) không dừng để khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng (như tăng cường tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Sau nhiều lần trì hoãn, đến nay, tiến độ tổng thể của hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) ở các trạm thu phí BOT vẫn chậm so với yêu cầu.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, có nhiều khó khăn, vướng mắc nguyên nhân chính là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm; việc đàm phán tỉ lệ trích doanh thu giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (hợp đồng dịch vụ) hay số lượng phương tiện dán thẻ (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao cũng làm tiến độ thu phí ETC vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý giải vấn đề này, PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - phần lớn các trạm BOT hiện nay là sở hữu của Nhà nước khoảng trên 20% và trên 20% vốn của chủ đầu tư, còn lại là vốn vay ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư phải được ngân hàng chấp thuận nên buộc phải đầu tư phải thương thảo với ngân hàng và phụ lục hợp đồng cũng phải được ngân hàng gật đầu, trong khi đó nếu phải trích (5- 7%) cho nhà cung cấp ETC thì vô lý.

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ và chưa biết lúc nào có thể hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo toàn bộ việc triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc trước ngày 31.3.2020; phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020; trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để triển khai đầu tư, vận hành hệ thống.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải phải rà soát lại phương án tài chính của dự án để xác định tỉ lệ trích chi phí quản lý thu phí tự động không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý làm cơ sở sớm ký kết hợp đồng dịch vụ; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để triển khai các dự án của VEC.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để sớm thực hiện dự án thu phí không dừng.

Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải) - ông Nguyễn Viết Huy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Viettel và các Nhà đầu tư đã đàm phán để Viettel nắm giữ tỉ lệ chi phối nhằm có cơ sở thành lập doanh nghiệp thực hiện. Qua đó, trên cơ sở thống nhất của các nhà đầu tư đã tích cực đàm phán đến thống nhất để Viettel nắm giữ tỉ lệ 86% trong dự án, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14% để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II.

Ông Huy cũng kỳ vọng Viettel là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam nên việc hoàn thành dự án thu phí không dừng trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở...,

Được biết, Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I có tổng mức đầu tư 2.036 tỉ đồng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11.2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong 44 trạm có 5 trạm do TCty Phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng). Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.

Dự án giai đoạn II gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn liên danh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số DN về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án... Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn