MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe điện loại 12 chỗ chở khách tham quan ở TPHCM. Ảnh: Minh Quân

TPHCM có cần xe buýt mini?

MINH QUÂN LDO | 25/03/2021 17:09

Xe buýt cỡ nhỏ từ 12 - 17 chỗ (xe buýt mini) nếu được Thủ tướng chấp thuận cho hoạt động thì TPHCM có thể tăng độ phủ của xe buýt từ 15-20%, cũng như giúp tăng khả năng tiếp cận phương tiện công cộng của người dân.

Như Báo Lao Động đã đưa tin, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị TPHCM rà soát tính khả thi khi của xe buýt mini (từ 12-17 chỗ) hoạt động trên địa bàn để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét cho thí điểm.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm giao thông công cộng TPHCM cho biết, nếu xe buýt mini được chấp thuận cho hoạt động thì TPHCM có thể tăng độ phủ của xe buýt từ 15-20%, cũng như giúp tăng khả năng tiếp cận phương tiện công cộng của người dân.

Theo ông Hoàng, hiện dự án xây dựng hệ thống buýt BRT mà thành phố triển khai có gói thầu rà soát quy hoạch và xây dựng mạng lưới các tuyến buýt, trong đó có buýt mini.

Một dự án khác là tăng khả năng tiếp cận cho metro Bến Thành - Suối Tiên cùng các dự án metro sau này cũng có phần nghiên cứu như hệ thống bến bãi, nhà chờ, buýt mini với chức năng "gom" khách từ các khu dân cư đến nhà ga tuyến metro.

Tuyến buýt điện (Công viên 23/9 - Thảo Cầm Viên) sử dụng loại xe 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác ở TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Anh Nguyễn Văn Bình (Thành phố Thủ Đức) - nhân viên văn phòng tại quận 3, cho biết mỗi ngày anh phải chạy xe máy hơn 10km từ nhà tại đường số 1 (phường Bình Chiểu) đến công ty làm việc. Đã một vài lần anh Bình thử chuyển sang đi xe buýt nhưng rồi phải bỏ cuộc vì trạm xe buýt gần nhất cách nhà gần 2km.

"Thực tế, đi xe buýt khỏe và an toàn hơn đi xe máy cá nhân nhiều. Nếu thành phố có xe buýt mini có thể đón khách ở trong các tuyến đường nhỏ thì tôi sẵn sàng chuyển sang đi xe buýt" - anh Bình nói.

Theo Sở GTVT TPHCM, toàn thành phố hiện có 2.322 xe buýt phân bố trên 137 tuyến, đa số là loại xe buýt cỡ lớn với sức chứa 41-60 hành khách, chỉ chạy ở đường rộng từ 10m trở lên (chiếm 41%).

Vì vậy với hơn 3.400 đường (trên tổng gần 5.000 tuyến đường) rộng dưới 7m, rất khó để xe buýt đi vào tiếp cận người dân. Theo khảo sát, 85% người dân TPHCM sống trong hẻm.

Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, người dân không lựa chọn xe buýt, sản lượng hành khách đi xe buýt ngày càng sụt giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông tại TPHCM.

Do đó, Sở GTVT TPHCM cho rằng cần đưa vào sử dụng các loại xe buýt mini loại từ 12-17 chỗ, nhất là loại xe có ứng dụng công nghệ phù hợp với đô thị thông minh.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TPHCM), đến năm 2030, xe buýt vẫn là phương tiện chở khách chủ lực của TPHCM. Do đó, ngoài những giải pháp như thay mới, tăng số lượng và chất lượng phương tiện, cần giảm khoảng cách từ nhà đến trạm xe buýt dưới 200m (khoảng cách theo nghiên cứu người dân chấp nhận đi xe buýt).

“Chúng tôi tính toán, TPHCM cần khoảng 4.000 xe buýt mini, chi phí mỗi xe khoảng 200 đến 250 triệu đồng. Hiện nay hàng năm thành phố bù lỗ hơn 1.000 tỉ đồng cho xe buýt thì việc bỏ ra vài trăm tỉ để đầu tư cho mini buýt không đáng là bao so với ngân sách thành phố cả" – ông Mai nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn