MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường đoạn Vành đai 2 TPHCM từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dừng thi công 3 năm qua, thành nơi chăn bò. Ảnh: Minh Quân

TPHCM khắc phục tình trạng dự án treo bằng cách nào?

MINH QUÂN LDO | 19/01/2023 07:10

Chính sách hoán đổi đất cho người bị di dời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng được kỳ vọng giúp TPHCM rút ngắn được thời gian bồi thường, khắc phục tình trạng dự án “treo”.

Những năm qua, TPHCM có nhiều dự án hạ tầng giao thông bị chậm triển khai, giãn tiến độ, thậm chí là "đắp chiếu"… mà một trong những nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài.

Điển hình như dự án Vành đai 2 (đoạn nút giao Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng) hay các cây cầu như Long Đại, Tăng Long, Nam Lý, Tân Kỳ - Tân Quý… đang thi công phải tạm dừng vì vướng mặt bằng.

Cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thành phố Thủ Đức) dừng thi công 4 năm qua vì vướng mặt bằng.  Ảnh: Anh Tú

Sắp tới, TPHCM dự kiến triển khai hàng loạt công trình trọng điểm, liên vùng mà nếu không có mặt bằng thì chậm tiến độ là điều dự báo từ trước.

Ông Lương Minh Phúc  - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM - cho biết, GPMB là vấn đề cực kỳ quan trọng của các dự án giao thông TPHCM trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án lớn như: Vành đai 2, 3, 4; cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và mở rộng các dự án cửa ngõ.

Theo ông Phúc, để thực hiện GPMB các dự án trên, sơ bộ cũng cần trên 50.000 tỉ đồng. Đây là một khối lượng cực kỳ lớn và thời gian GPMB có thể kéo dài 2-3 năm. Do đó, cần có bước đột phá trong GPMB để đưa các dự án về đích đúng hẹn.

Để tháo gỡ khó khăn này, UBND TPHCM đã đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) 2 chính sách đột phá về đất đai.

Thứ nhất, tách bồi thường thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B (tổng mức đầu tư dưới 2.300 tỉ đồng). Bởi quy định hiện hành mới chỉ cho phép tách bồi thường thành dự án độc lập đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.

Thứ hai, TPHCM muốn được thí điểm chính sách bồi thường bằng việc giao đất có mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm.

Theo phân tích của UBND TPHCM, thay vì bỏ ra kinh phí lớn thì dùng đòn bẩy kinh tế bằng cách sử dụng quỹ đất và công cụ quy hoạch để quy hoạch thành các khu tái định cư. Người dân có thể được hoán đổi theo tỉ lệ tương ứng và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm triển khai dự án. Từ đó rút ngắn được thời gian bồi thường, giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước và người dân, khắc phục tình trạng dự án “treo”.

UBND TPHCM đánh giá chính sách này sẽ giúp người dân bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đáp ứng được mong muốn tái định cư tại chỗ, tạo sự đồng thuận khi triển khai dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn