MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM muốn làm tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đi trên cao

MINH QUÂN LDO | 16/02/2023 20:02

TPHCM muốn làm tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đi trên cao, qua địa bàn thành phố để hạn chế ảnh hưởng chia cắt các khu vực đô thị hai bên, tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản khẩn gửi Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đoạn tuyến qua TPHCM.

Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố (Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ) với chiều dài 174 km. Tuyến có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa. 

Theo phương án đề xuất, đoạn tuyến đi qua TPHCM dài hơn 36 km, gồm đoạn đi trên cao gần 12 km và hơn 24 km trên mặt đất.

Phương án hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Ảnh: Ban Quản lý dự án đường sắt

Theo UBND TPHCM, tuyến đường sắt này đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Do đó, TPHCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn TPHCM đi cao, trừ một số đoạn tuyến về các ga hàng hóa, ga lập tàu, trạm đầu mối kỹ thuật...

Việc này nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng chia cắt các khu vực đô thị hai bên, đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữa các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực đô thị xung quanh.

Đối với một số đoạn tuyến buộc phải bố trí đi trên mặt đất, TPHCM lưu ý cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt, nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng mức đầu tư của dự án.

Tổng mức đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ dự kiến 9 tỉ USD, tương đương hơn 200.000 tỉ đồng.

Với suất đầu tư lớn, UBND TPHCM cho rằng, việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn sẽ phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính cho dự án.

Theo UBND TPHCM, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án khó khả thi nếu khai thác với doanh thu chỉ từ bán vé mà không có các giải pháp phát triển đô thị xung quanh các đầu mối giao thông dọc tuyến (mô hình TOD).

Cụ thể, ngoài vốn đầu tư công, cần kết hợp đầu tư xây dựng tuyến đường sắt với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị - nhà ga của dự án theo mô hình TOD.

Khoản vốn huy động từ đấu giá đất tại các khu vực được dự kiến sẽ phát triển TOD sẽ có thể góp phần giải quyết một phần không nhỏ bài toán về vốn cho dự án.

Do đó, trong giai đoạn nghiên cứu khả thi tiếp theo, UBND TPHCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt cần tiếp tục tổ chức cho nghiên cứu làm rõ những cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể cần thiết phải được ban hành để có thể triển khai và phát huy được mô hình TOD cho dự án này; các vấn đề cụ thể về thiết kế đô thị cho khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt thuộc dự án này để xác định quỹ đất cần thiết phải được thu hồi cho phát triển TOD hiệu quả.

TPHCM cũng đề nghị cần tiếp tục chính xác hóa hơn nữa tổng mức đầu tư của toàn dự án, và phân khai rõ ràng các cấu phần chi phí cho xây dựng, cho thu hồi đất phần công trình chính, cho thu hồi đất phần phát triển TOD tại từng ga trên địa bàn từng địa phương mà tuyến đi qua.

Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ được kỳ vọng “chia lửa” cho giao thông đường bộ, tăng năng lực giao thương hàng hoá giữa TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Quân

Theo đề xuất, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ được thiết kế tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tốc độ thiết kế lớn nhất là 190 km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng dưới 120 km/h.

Đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn