MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro số 1 gặp nhiều vướng mắc trong giai đoạn nước rút về đích. Ảnh: Anh Tú

TPHCM sốt ruột khi nhà thầu Metro số 1 lại đẩy lùi các mốc tiến độ

MINH QUÂN LDO | 07/06/2024 19:19

TPHCM - Nhà thầu Hitachi đẩy lùi các mốc tiến độ về sau như vận hành khai thác thử vào tháng 11, thay vì tháng 10, dẫn đến kéo dài hơn nữa tiến độ dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vừa có văn bản báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết các công việc của Tổ công tác về giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án Metro số 1.

Báo cáo được gửi đến các đại diện trong tổ công tác, gồm: Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường; ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; bà Yoko Takebayashi - Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.

Đáng chú ý, tiến độ gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng) của nhà thầu Hitachi được MAUR nhấn mạnh cần có giải pháp xử lý gấp.

Theo MAUR, đến nay tư vấn NJPT vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch đào tạo, gồm chương trình đào tạo và chuyển giao kiến thức... Ngoài ra, hiện nay theo các kế hoạch công việc mới nhất, nhà thầu Hitachi lại đẩy lùi các mốc tiến độ về sau, ví dụ mốc tiến hành vận hành khai thác thử (Trial-Run) đã được đẩy lùi về tháng 11, thay vì tháng 10, dẫn đến việc kéo dài hơn nữa tiến độ dự án.

MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi tuân thủ tiến độ mục tiêu của dự án, cũng như có tinh thần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc tiến hành các giải pháp "tạm" hài hòa lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của hai bên để có thể thúc đẩy tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, vai trò và năng lực của tư vấn chung NJPT cần phải được củng cố hơn nữa. Hiện nay MAUR nhận thấy NJPT chưa có các biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ của dự án về cả mặt kỹ thuật, thương mại, hợp đồng…

TPHCM quyết tâm đưa Metro số 1 khai thác thương mại cuối năm nay. Ảnh: Anh Tú

Ngoài ra, MAUR cho biết, đang phối hợp cùng các nhà thầu, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) và tư vấn JNPT để tiến hành hoàn thành công tác đào tạo.

Để đẩy nhanh công tác đào tạo (cũng như đấy nhanh tiến độ dự án), theo ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM thống nhất với Đại sứ Nhật Bản, các bên cần sớm xác lập Ban xử lý tranh chấp (DAB), sau đó nhà thầu Hitachi sẽ có các biện pháp thúc đẩy tiến độ công việc.

Sau khi rà soát, MAUR nhận thấy việc thành lập DAB cần phải có một khoảng thời gian nhất định. MAUR đề nghị giải pháp tiến hành trao lệnh phát sinh tạm (căn cứ trên giá trị đề xuất của nhà thầu để thanh toán 70%) để nhà thầu có nguồn kinh phí thực hiện ngay các nội dung công việc thúc đẩy dự án. Phần còn lại và giá trị sau cùng sẽ phụ thuộc vào phán quyết của DAB hoặc Trọng tài thương mại (nếu nhà thầu không đúng thì trả lại chi phí Lệnh phát sinh này).

Nhà thầu Hitachi đồng thuận về nguyên tắc, tuy nhiên yêu cầu thanh toán 100% tạm giá trị phát sinh như họ đề xuất thì mới thực hiện công việc.

Theo MAUR, việc thanh toán 100% giá trị phát sinh cho nhà thầu trong khi các nội dung vẫn được xem như là "tranh chấp" hoặc "khác biệt về cách hiểu" là không phù hợp. Việc thanh toán 70% phù hợp quy định hợp đồng, cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà thầu và quyền lợi của chủ đầu tư đối với việc hậu kiểm, kiểm toán dự án về sau. Do đó, MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản có ý kiến đề nghị nhà thầu Hitachi chấp thuận đề xuất để thúc đẩy công việc.

Chi phí cho công tác bảo trì, bảo dưỡng dự án Metro số 1 vẫn chưa thống nhất với nhà thầu Hitachi. MAUR đề xuất cùng với nhà thầu Hitachi tiến hành ký kết một thỏa thuận "tạm" cho việc tiến hành thực hiện các công việc của hợp đồng 5 năm vận hành và bảo dưỡng theo đơn giá đã ký kết của hợp đồng cộng với phần trượt giá. Giá trị mới như Hitachi đề xuất sẽ được đưa ra DAB hoặc Trọng tài thương mại.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1). Dự án khởi công năm 2012, kế hoạch ban đầu hoàn thành sau 6 năm, song nhiều lần lùi tiến độ.

Hiện Metro số 1 đạt hơn 98% khối lượng, TPHCM đang rất quyết tâm đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại cuối năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn