MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM thiếu bãi xe công cộng khó giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè

PHƯƠNG NGÂN LDO | 16/06/2022 08:08

TPHCM – Mặc dù, TPHCM đã nỗ lực dọn dẹp vỉa hè, trả lại sự thông thoáng cho người đi bộ và mỹ quan cho đô thị, tuy nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè vẫn không thể xử lý triệt để vì một số bất cập tồn tại.

Vỉa hè bị “chiếm dụng” ở nhiều nơi

Ghi nhận tại một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM, vỉa hè dường như không còn chỗ dành cho người đi bộ. Tại đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, các cửa hàng kinh doanh, những biển hiệu, xe nước mía, kệ bán phụ tùng xe… chiếm hết vỉa hè.

Dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng, thuộc hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh, các hàng quán vào buổi chiều tối bày biện bàn ghế tràn ra vỉa hè để kinh doanh ăn uống, không lối cho người đi bộ trên vỉa hè.

Đặc biệt, tại cổng các bệnh viện như bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Đại học Y dược, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và nhiều bệnh viện khác tại TPHCM đang diễn ra tình trạng dùng vỉa hè để làm bãi giữ xe. Tại những bãi giữ xe này, những thanh sắt được hàn dính với nhau bao trọn vỉa hè và xe cứ theo đó xếp hàng nối đuôi nhau.

Biển hiệu tràn ra vỉa hè, chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ. - Ảnh: Phương Ngân 

Về vấn đề bãi giữ xe trên vỉa hè, Sở GTVT TPHCM cho biết, thành phố chỉ cho phép làm bãi xe tạm trên vỉa hè tại một số tuyến đường rộng với vỉa hè từ 3 – 5m, phải bố trí chừa ít nhất 1,5m bề rộng cho người đi bộ. Việc rào chắn làm bãi gửi xe trước các bệnh viện, Sở GTVT đã yêu cầu UBND các quận (1, 3, 4, 5, 6, 10, 11) tháo dỡ rào chắn để trả lại lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn vỉa hè làm bãi xe vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

TPHCM thiếu diện tích để xe

Nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM đang có hơn 10 triệu dân, với khoảng 6 – 7 triệu xe máy, tuy nhiên hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ số lượng phương tiện di chuyển cũng như bãi đỗ xe công cộng.

Vào ban đêm, hầu hết các xe đều được phân bổ về các hộ gia đình, các bãi xe chung cư nên tạm giải quyết được vấn đề bãi đỗ xe. Tuy nhiên, vào ban ngày lưu lượng xe chủ yếu tập trung ở nội đô thành phố, nhưng các bãi giữ xe chỉ có sức chứa nhất định và vị trí cũng cách xa nơi người dân cần đến. Đó chính là nguyên nhân khiến xe tràn lên vỉa hè.

 Theo chuyên gia, thiếu không gian để xe chính là nguyên nhân xe máy tràn lên vỉa hè. - Ảnh: Phương Ngân

“Bệnh nhân, người nuôi bệnh đông, họ di chuyển bằng xe máy đến bệnh viện, không có chỗ gửi xe buộc họ phải để ở vỉa hè. Người dân không thể gửi xe cách đó hàng km để đi bộ đến nơi cần đến” – TS. Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia quy hoạch đô thị thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nói.

Theo chuyên gia này, thành phố đã có nhiều đợt ra quân dọn dẹp vỉa hè, nhưng quanh đi quẩn lại vì nhiều lý do không thể thực hiện được. Thiếu phần diện tích để xe là một trong những nguyên nhân chính. Việc thiếu phần diện tích để xe là do đất tại trung tâm thành phố đa phần đều tập trung cho việc xây cao ốc, trung tâm thương mại...

Một thực trạng đang diễn ra tại TPHCM là phần diện tích cho giao thông động (phương tiện di chuyển) quá thấp so với tiêu chuẩn, theo tiêu chuẩn phải dành 20 – 30% diện tích tự nhiên để làm đường. Nhưng ở nội đô thành phố chỉ từ 10% trở xuống, chưa bằng một nửa chỉ tiêu. Trong khi đó, TPHCM lại có dân số quá đông so với sức chứa đô thị.

Để giảm bớt tình trạng xe tràn lên vỉa hè, TS Nguyên cho rằng, nên khai thác bãi đậu xe có 3 tầng không gian (mặt đất, tầng cao và tầng hầm) sẽ có thể giải quyết bớt căng thẳng về bãi đỗ xe. Nhưng các bãi đỗ xe đó phải ở vị trí tập trung nhiều phương tiện, tức đáp ứng được nhu cầu của người dân.

TS Nguyên nhấn mạnh, thành phố hiện đại và thông minh không phải là thành phố nhiều nhà cao tầng và đông dân mà phải có chất lượng sống tốt. Muốn có chất lượng sống tốt phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nhà ở, giao thông và môi trường…

Theo LS. Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Chân – Thiện – Mỹ, hành vi chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, giữ xe... sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi: lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán hàng rong, trồng cây xanh che khuất tầm nhìn của người điều khiển giao thông; bày bán hàng hóa, vật liệu xây dựng, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông; đặt, treo biển hiệu, bảng quảng cáo, treo băng rôn, biểu ngữ; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè làm nơi để xe, trông, giữ xe…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn