MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong sớm có cầu Cát Lái để thoát cảnh "qua sông lụy phà". Ảnh: Hà Anh Chiến

TPHCM và Đồng Nai chưa thống nhất quan điểm về thời gian xây cầu Cát Lái

MINH QUÂN LDO | 01/07/2023 12:14

Sau 20 năm có chủ trương, dự án cầu Cát Lái nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn chưa thống nhất được thời điểm xây dựng. Trong khi Đồng Nai muốn xây dựng cây cầu này trước năm 2025, thì phía TPHCM đề xuất xây sau năm 2030.

Hơn 20 năm chờ đợi cầu Cát Lái

Phà Cát Lái nối Thành phố Thủ Đức (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được nhiều người lựa chọn để đi từ TPHCM về Vũng Tàu, Đồng Nai... vì đoạn đường rút ngắn hơn so với đi Quốc lộ 51 hơn 10 km.

Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TPHCM, thời gian qua, lưu lượng người dân qua phà Cát Lái liên tục tăng, trung bình ngày thường khoảng 50.000 lượt. Cao điểm, vào các dịp lễ, Tết số phương tiện qua phà lên đến 80.000 - 90.000 lượt, khiến dòng xe phải xếp hàng dài chờ qua phà.

Xe cộ xếp hàng dài chờ qua phà Cát Lái dịp lễ, tết. Ảnh: Minh Quân

Nhiều năm qua, người dân hai địa phương TPHCM, Đồng Nai đều muốn sớm có một cây cầu thay thế phà Cát Lái. Có cầu, đường đi Thành phố Thủ Đức - Nhơn Trạch được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác dự kiến năm 2025, cầu Cát Lái kết hợp Tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối TPHCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lượng xe với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.

Đường Nguyễn Thị Định dẫn vào phá Cát Lái phía TPHCM thường ùn tắc dịp lễ, tết. Ảnh: Minh Quân

Chủ trương xây cầu Cát Lái đã có từ năm 2003, nhưng sau đó hai bên TPHCM, Đồng Nai có ý kiến khác nhau nên dự án không thể triển khai. Đến năm 2016, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đề xuất được Thủ tướng chấp thuận và đưa vào quy hoạch từ năm 2017.

Trên cơ sở đó, có một số nhà đầu tư và liên danh cũng đề xuất dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT kết hợp với BT. Sau đó, UBND TPHCM đã tạm dừng xem xét đề xuất đầu tư dự án theo hình thức này vì thấy không khả thi.

Đến năm 2019, hai địa phương thống nhất tỉnh Đồng Nai sẽ chủ trì việc đầu tư cầu Cát Lái và được Chính phủ chấp thuận.

Tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch dự kiến khởi công cầu Cát Lái vào năm 2020 với chiều dài 3,7 km, trong đó phần cầu chính dài 650 m, tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng. Công trình bắt đầu từ nút giao Mỹ Thuỷ (thành phố Thủ Đức, TPHCM), đi theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông hướng về Tỉnh lộ 25B ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuy nhiên, do TPHCM và Đồng Nai chưa thống nhất được hướng tuyến, nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo.

Để lâu chi phí mặt bằng sẽ tăng

Tháng 3.2023, tỉnh Đồng Nai có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND TPHCM về việc, ngoài cầu Cát Lái sẽ bổ sung thêm hai cây cầu kết nối với Đồng Nai gồm: cầu kết nối Thành phố Thủ Đức với khu vực huyện Long Thành (tạm gọi cầu Đồng Nai 2) và cầu kết nối khu vực phía nam TPHCM với huyện Nhơn Trạch (tạm gọi cầu Phú Mỹ 2).

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai kiến nghị xây cầu Cát Lái có 6 làn xe tại vị trí phà hiện hữu và đầu tư trước năm 2025.

Tuy nhiên, mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM lại đề xuất xây cầu Cát Lái sau năm 2030 vì cho rằng chưa cần, bởi đã có các dự án khác cơ bản đáp ứng đi lại giữa hai địa phương.

Sở GTVT TPHCM cho rằng, khu vực này đang xây cầu Nhơn Trạch trên Vành đai 3 TPHCM với quy mô 4 làn ôtô sẽ hoàn thành năm 2026 và dự kiến tiếp tục mở thêm 4 làn cho xe thô sơ, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai địa phương.

Mặt khác, tại khu vực cảng Cát Lái đang được nghiên cứu làm tuyến liên cảng nối đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 gần cảng Phú Hữu. Tuyến này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030.

Cầu Cát Lái khi xây dựng xong sẽ thay thế phà Cát Lái. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, cầu Cát Lái không chỉ kết nối giữa TPHCM và Đồng Nai mà còn kết nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành nên về kết nối vùng rất cần thiết. Tuy nhiên, vì cầu liên quan đến lợi ích hai địa phương nên có những lo ngại riêng.

“Bên phía Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái sớm để kích thích phát triển khu Nhơn Trạch. Nhưng phía TPHCM lại có những lo ngại khi có cầu sẽ lại tăng kẹt xe ở khu cảng Cát Lái” - ông Sơn nói.

Do đó, ông Sơn cho rằng, phải nhìn từ quan điểm kết nối vùng để xác định thời điểm xây cầu Cát Lái. Theo ông, cầu Cát Lái trước sau gì cũng phải xây, còn thời điểm hai địa phương cần thương lượng để đạt thỏa thuận cao, thậm chí có sự hỗ trợ lẫn nhau. "Chẳng hạn phía đầu cầu ở Nhơn Trạch có thể xây dựng cảng tiếp nhận một phần hàng hóa của cảng Cát Lái để giảm áp lực về giao thông cho phía TPHCM" - ông Sơn đề xuất.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho hay, vị trí xây cầu Cát Lái tại vị trí phà hiện hữu là phù hợp. TPHCM và Đồng Nai cần thống nhất xây cầu càng sớm càng tốt vì để lâu chi phí giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn