MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe cộ chen chúc, nhích từng chút một trên Quốc lộ 13 giờ cao điểm để vào trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân

TPHCM xem xét đầu tư gần 10.000 tỉ đồng mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức BOT

MINH QUÂN LDO | 26/06/2023 14:15

TPHCM – Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu) dài gần 5 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đang được xem xét đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh).

Ám ảnh kẹt xe triền miên

Suốt nhiều năm qua, người dân đi lại trên tuyến Quốc lộ 13 - một trong những tuyến đường huyết mạch từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước đến TPHCM đều không khỏi ngán ngẩm cảnh tượng kẹt xe đoạn tại TPHCM.

7h sáng 26.6, dòng xe trên Quốc lộ 13, từ cầu vượt Bình Phước đến cầu Bình Triệu rất đông. Ôtô, xe máy chen chúc nhau ken đặc cả tuyến đường. Đến 7h30, lượng xe từ tỉnh Bình Dương, Thành phố Thủ Đức (TPHCM) đổ ra Quốc lộ 13 để vào trung tâm TPHCM càng nhiều. Lúc này, đoạn Quốc lộ 13 qua cầu Đúc Nhỏ kẹt cứng, xe cộ nhích từng chút một để di chuyển.

Cầu Đúc Nhỏ trên Quốc lộ 13 là điểm “thắt cổ chai” khiến xe cộ ùn tắc kéo dài. Ảnh: Minh Quân

Vừa qua cầu Đúc Nhỏ, các phương tiện tiếp tục ùn ứ tại khu vực cầu Ông Dầu. Mặt cầu hẹp, xe cộ phải nhích từng chút một. Chỉ cần có hai chiếc xe ôtô chạy song song nhau là chắn mặt cầu, kẹt càng thêm kẹt.

Anh Nguyễn Văn Bình - tài xế xe tải chở hàng thường xuyên từ Bình Dương qua TPHCM, cho biết rất mệt mỏi mỗi khi phải đi qua tuyến đường này. Nhiều hôm hành trình gần 5 km từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu nhưng anh Bình mất hơn 1 tiếng vì kẹt xe.

Theo anh Bình, đoạn Quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương đã được mở rộng 6 làn xe và đang mở rộng lên 8 làn. Tuy nhiện, Quốc lộ 13 khi qua TPHCM hiện chỉ 4 - 6 làn, tạo "nút thắt cổ chai" thường xuyên ùn tắc.

“Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch của TPHCM, là cửa ngõ thông thương giữa TPHCM với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên từ bao nhiêu năm nay, tuyến đường nhỏ hẹp, chỉ 4 - 6 làn xe. Chưa kể, từ khi tuyến đường này được đầu tu sửa chữa lại hệ thống thoát nước thì khi hoàn trả mặt bằng cẩu thả dẫn đến mặt đường lồi lõm, nhiều chỗ xuống cấp đầy ổ gà” – anh Bình nói.

Mở rộng Quốc lộ 13 bằng hình thức BOT

Theo tìm hiểu, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đã có kế hoạch mở rộng nhưng 21 năm qua vẫn chưa được triển khai. Dự án đã trải qua 3 lần thay đổi chủ đầu tư gồm Tổng Công ty Đầu tư xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và hiện nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM.

Năm 2002, UBND TPHCM có chủ trương mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu từ 32 m lên 53 m. Theo tính toán của Cienco 5, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng nên không thể thực hiện vì vượt quá khả năng tài chính.

Tháng 3.2005, UBND TPHCM giao lại dự án này cho CII làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng kéo dài đến năm 2010, CII cho biết dự án mở rộng Quốc lộ 13 riêng kinh phí đền bù giải tỏa đã tăng lên khoảng 5.000 tỉ đồng do giá đất tăng. Nguồn vốn quá lớn nhưng khả năng hoàn vốn khó khăn, vì vậy việc đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 13 một lần nữa bị khất lại.

Đến năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 triển khai theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, những năm qua, TPHCM chưa thể cân đối vốn để triển khai dự án.

TPHCM được phép làm dự án BOT trên đường hiện hữu giúp dự án mở rộng Quốc lộ 13 sớm “hồi sinh“. Ảnh: Minh Quân

Ngày 24.6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TPHCM với nhiều chính sách đặc thù, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.8 tới. Trong đó, cho phép TPHCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Theo Sở GTVT TPHCM, thành phố sẽ tập trung áp dụng hình thức BOT với các dự án tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, các tuyến Quốc lộ đi qua TPHCM.

Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu) dài gần 5 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng (chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 8.600 tỉ đồng) đang được xem xét đầu tư theo hình thức BOT.

Ngành giao thông thành phố đặt mục tiêu trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2024 và khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 13 năm 2025. Công trình khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, phát triển đô thị khu vực phía Đông TPHCM. Đồng thời, công trình cũng giúp kết nối Vành đai 2, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành chuẩn bị đầu tư những năm tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn