MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An LDO | 24/03/2023 12:23

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Chế tài xử phạt vi phạm giao thông trong Nghị định số 100/2019 được cho là đã đủ sức “nắn gân” những người uống rượu bia nhưng vẫn muốn cầm vô lăng. Nếu trót nhấp vài ly rượu hay uống vài cốc bia, tài xế cũng có phần “gợn” nếu tự muốn điều khiển ôtô khi có nguy cơ bị phạt đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 năm.

Đó là lý do tại sao cánh lái xe thường rỉ tai nhau về việc tự mua một chiếc máy đo nồng độ cồn để có thể tự đo sau bữa nhậu để quyết định đi taxi hay không, hoặc xa hơn là để so chỉ số với máy của lực lượng chức năng.

Chỉ cần lên công cụ tìm kiếm, gõ từ khóa “máy đo nồng độ cồn”, sẽ có hàng loạt kết quả được hiện ra. Giá cả của sản phẩm dao động dưới mặt đất cũng có, mà trên trời cũng không thiếu. Chẳng hạn, trên sàn thương mại điện tử Shopee, có gian hàng rao bán máy đo nồng độ cồn với giá chỉ từ 20.000 đồng. Trên website của Công ty Cổ phần EMIN Việt Nam, có loại máy đo nồng độ cồn hơi thở Lifeloc FC20 có giá bao gồm VAT hơn 42 triệu đồng/chiếc.

Máy đo nồng độ cồn được bán tràn lan trên mạng, nhưng nguồn gốc xuất xứ và chất lượng là một vấn đề. Ảnh: Quý An

"Tôi nghĩ là có mua hay không cũng không quan trọng, vì khi đã uống 1-2 ly thường cũng đã có nồng độ cồn rồi. Mình say mà không biết mình say ấy. Đi taxi cho lành" - anh Xuân Thái (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng cũng nên có vật dụng để tự đo, miễn là có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ từ các hãng uy tín bởi đây là những nguồn có thể tin cậy. Bởi lẽ trên Internet, các sản phẩm máy đo nồng độ cồn dù được người bán quảng cáo rất nhiệt tình, nhưng khi hỏi đến nguồn gốc xuất xứ và bảo hành thì lảng tránh.

Vấn đề được đặt ra là người dân có được sử dụng máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc để đối chứng kết quả với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng hay không và việc sử dụng máy đo nồng độ cồn được căn cứ theo quy định pháp luật nào?

Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở) để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Một trường hợp đang thử nồng độ cồn. Ảnh: Cục CSGT

Ngoài ra, Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP cũng quy định cá nhân, tổ chức có thể cung cấp dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do mình thu được cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt. Nếu dữ liệu đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 17 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp và hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Thượng tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, lực lượng chức năng tại các địa phương sẽ xử lý thường xuyên, quyết liệt và kiên quyết hình thành thói quen "đã uống rượu bia không lái xe", chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật. Đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT không khoan nhượng, không để can thiệp xin tha, kiên quyết xử lý vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn