MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Bế Trung Anh tranh luận về quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh: Media Quốc hội

Tranh luận nồng độ cồn bằng 0, đại biểu nói nếu chỉ “nếm rượu” chắc vẫn ổn

Thùy Linh- Phạm Đông LDO | 24/11/2023 18:04

Tranh luận về quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu là tác nhân gây ảnh hưởng tới năng lực hành vi.

Quy định về nồng độ cồn cần phù hợp với điều kiện thực tế

ĐBQH Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho hay, quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế.

Đại biểu phân tích thêm, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế TNGT.

Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học…

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, dư luận xã hội cũng như tại buổi thảo luận ở Tổ về dự án luật TTATGTĐB cho thấy nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi về quy định "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Theo đại biểu, quy định này có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng, không chỉ theo phong tục tập quán mà còn liên quan đến nhiều yếu tố. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa bảo đảm tính khoa học.

Theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông không sử dụng rượu bia hoặc chất có nồng độ cồn, tuy nhiên do điều kiện cơ thể sinh học hoặc quá trình chuyển hóa thức ăn thì có thể thời điểm đó trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức 0.

Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này để khi luật ban hành thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và thực hiện tốt hơn.

Nếu chỉ "nếm rượu" chắc vẫn ổn, vẫn kiểm soát được năng lực hành vi

Phát biểu tranh luận với các ý kiến ĐBQH liên quan đến quy định này, đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu là tác nhân gây ảnh hưởng tới năng lực hành vi.

Đại biểu Bế Trung Anh phân tích, nếu dùng nhiều quá thì không kiểm soát được năng lực, hành vi nhưng nếu chỉ "nếm rượu" chắc vẫn ổn. Thế nên chúng ta nên phân biệt năng lực hành vi và câu chuyện dùng rượu hay không dùng. Câu chuyện này, chúng ta chỉ mắc ở việc kiểm soát hành vi và tác nhân gây ra năng lực, hành vi đó.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn