MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ đèn cầu vượt Dầu Giây nhô ra ngoài, đơn vị thi công đã lắp biển báo tạm để cảnh báo các phương tiện tham gia lưu thông. Ảnh: Hà Anh Chiến

Trụ đèn cầu vượt Dầu Giây nhô ra: Sẽ trồng thêm cây xanh để tạo mỹ quan

HÀ ANH CHIẾN LDO | 15/03/2022 16:34

Đồng Nai - Liên quan đến các trụ đèn chiếu sáng trên cầu vượt Dầu Giây nhô ra phía ngoài mà người dân phản ánh có thể gây mất an toàn giao thông, ông Hoàng Văn Mậu – Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Do thi công theo đúng thiết kế nên sẽ không đập bỏ các trụ đèn, nhưng tiến hành mài gọt tạo mỹ quan. Đồng thời, sau khi thi công các viên vỉa sẽ trồng thêm cây xanh để tăng tính mỹ quan cũng như tăng thêm tính an toàn giao thông cho công trình.

Thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định

Ngày 15.3, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Hoàng Văn Mậu – Tổng giám đốc Công ty CP BT20 Cửu Long – chủ đầu tư dự án nút giao ngã tư Dầu Giây (trong đó cầu vượt Dầu Giây là hạng mục chính) cho biết: Về phản ánh trụ đèn cầu vượt Dầu Giây nhô ra phía bên ngoài, hiện nay các đơn vị thi công đang tiến hành rào đường lại để thi công bó vỉa, thoát nước, vạch sơn kẻ đường… Ông Mậu cũng khẳng định: “Chúng tôi làm theo đúng thiết kế đã được thẩm định”. 

Sau khi thông xe, các đơn vị đang thi công lắp viên vỉa và hệ thống thoát nước tại khu vực bên dưới cầu vượt Dầu Giây. Ảnh: Hà Anh Chiến 

Ông Mậu cho biết thêm: Sau khi báo phản ánh, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT - đã làm việc và chủ đầu tư cũng đã có văn bản giải trình. Sau đó, cũng đã có hướng thống nhất xử lý. 

Chủ đầu tư sẽ xử lý thêm để tăng tính mỹ quan, tăng thêm tính an toàn giao thông cho công trình, nhưng không đập bỏ trụ đèn mà sẽ mài gọt để tạo mỹ quan. Ngoài ra, sau khi thi công chôn viên vỉa rộng ra sẽ tạo thêm không gian để trồng cây xanh tạo mỹ quan đô thị. 

Cũng theo ông Mậu: Quan trọng là cầu vượt Dầu Giây sau khi thông xe đảm bảo an toàn giao thông và đã được cơ quan chức năng kiểm tra thẩm định là đảm bảo an toàn giao thông. Sau khi thông cầu, điều tiết cơ bản 70% lưu lượng xe lưu thông lên cầu vượt Dầu Giây thì các hạng mục còn lại bên dưới cầu sẽ có không gian để thi công. 

Sẽ đôn đốc chủ đầu tư thi công đúng cam kết

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Mai Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cũng cho biết: Quá trình triển khai dự án, năng lực nhà thầu, bố trí vốn không kịp thời nên dự án kéo dài gây hệ luỵ cho địa phương, nhiều vụ tai nạn, ách tắc giao thông xảy ra. Chúng tôi cũng rất lo lắng và đã 5 lần chủ trì cuộc họp mời Cục quản lý đường bộ, ban ATGT, Công an tỉnh, chủ đầu tư, nhà thầu… cùng bàn để tháo gỡ vướng mắc. 

Sau khi thông xe, các hạng mục còn lại gồm các đảo giao thông ở gầm cầu, các đảo công viên, hệ thống mương thoát nước, hố ga… cũng sẽ được phân luồng giao thông tạo mặt bằng để thi công. Tuy nhiên, ông Hiền cũng lo lắng về năng lực nhà thầu, bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện thi công không quyết liệt thì dự án sẽ còn kéo dài.

“Chúng tôi cũng đã có ý kiến với chủ đầu tư, đốc thúc đơn vị thi công và họ cam kết chậm nhất cuối tháng 4.2022 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án” – ông Hiền cho biết. 

Trước đó, ngày 8.3, cầu vượt Dầu Giây đã chính thức thông xe. Sau khi thông xe cầu vượt Dầu Giây, nhiều người dân phản ánh về việc các trụ đèn chiếu sáng trên cầu vượt Dầu Giây nhô ra phía hai bên quốc lộ 1 gây ảnh hưởng an toàn giao thông. 

Dự án xây dựng nút giao ngã tư Dầu Giây, trong đó hạng mục chính là cầu vượt Dầu Giây (tại huyện Thống Nhất) được khởi công năm 2017, và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng sau hơn một năm thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay mới hoàn thành.

Ngoài hạng mục chính xây dựng cầu vượt Dầu Giây, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây còn thực hiện thi công mở rộng phần nút giao cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20; mở rộng một đoạn quốc lộ 20 dài khoảng 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn