MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Truy nguyên nhân nước ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trôi xe tải

DUY TUẤN LDO | 31/07/2023 17:16

Bình Thuận - Vì sao thiết kế tại vị trí km25 + 419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hạ dốc dọc xuống thấp gây nước tràn vào, ngập đường cao tốc? Đây là câu hỏi Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận chất vấn đơn vị Tư vấn thiết kế dự án là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 533.

Chiều ngày 31.7 tại Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở này đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn thiết kế, các sở, ngành và công ty liên quan để giải quyết tình trạng ngập nước tại km25 + 419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra rạng sáng 29.7.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận chủ trì cuộc họp. Ảnh: Duy Tuấn

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 cho rằng nguyên nhân ngập nước thời điểm trên là nước dềnh ngược từ Sông Phan lên hạ lưu cống gây ngập tuyến đường tại vị trí cống thoát nước.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 báo cáo về thiết kế tại cuộc họp. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi vì sao thiết kế mặt đường tại vị trí km25 + 419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hạ dốc dọc (cốt nền) xuống thấp, gần bằng mực nước sông cao nhất và gây nước tràn vào đường cao tốc. Bên dưới vị trí này có đường điện cao thế, liệu có phải thiết kế như vậy để đảm bảo khoảng cách an toàn với đường dây điện này không?

Mặt đường tại vị trí ngập nước (km25 + 419) hạ dốc dọc (cốt nền) xuống thấp. Ảnh: Duy Tuấn

Theo ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận, theo kỹ thuật, khoảng cách từ dây dẫn điện xuống mặt đường tại vị trí km25 + 419 chỉ cần khoảng cách 14m.

Đường dây điện cao thế đi ngang mặt đường tại vị trí ngập nước. Ảnh: Duy Tuấn

Trong khi đó, qua đo đạc, vị trí thấp nhất trên mặt đường ở km25+ 419 so với đường dây đến 25m. Dẫn đến việc đã hạ cốt nền quá sâu. Do đó, không phải do đường dây điện cao thế mà phải hạ cốt nền sâu đến như vậy.

Ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận trả lời về chiều cao của đường dây điện so với mặt đường. Ảnh: Duy Tuấn

Giải thích việc hạ cốt nền sâu, đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng theo thiết kế cơ sở trước đây và việc tính toán thuỷ văn vẫn đảm bảo.

Về việc xả lũ hồ Sông Phan, ông Hoàng Phương, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết có mở 2/4 cửa tràn để điều tràn với lưu lượng 90 m3/s.

Cống thoát nước tại km25 + 419 sáng 29.7. Ảnh: Duy Tuấn

Tiếp tục làm rõ nguyên nhân nước tràn ngược vào cao tốc ở km25 + 419, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho rằng, có 3 dòng chảy từ thượng lưu đổ về hạ lưu. Cùng với lưu lượng mưa quá lớn đột biến gây nước tràn vào cao tốc ở vị trí trên.

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trả lời tại cuộc họp. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Thái cũng cho rằng, đây là sự cố không mong muốn và sẽ giải quyết triệt để những bất cập này.

Trước những nguyên nhân được chỉ ra, các đơn vị cùng các Sở, ngành đang bàn giải pháp để khắc phục triệt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Rạng sáng 29.7, nước ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở km25 khiến 1 xe tải bị trôi. Ảnh: Phạm Duy

Như Lao Động đã đưa tin, rạng sáng 29.7, tại km25 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra tình trạng nước ngập đường cao tốc, có lúc cao 1m làm trôi 1 xe tải vào lề và ngập nửa xe. Nhiều ôtô không dám lưu thông qua vị trí ngập nước phải dừng lại gây ùn tắc gần 10km trên cao tốc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn