MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đăng Doanh nói về thực trạng BOT ở Việt Nam hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh: Thu phí giao thông ở quốc lộ 5 là bất hợp lý

Cường Ngô LDO | 08/09/2017 17:48
Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT - chính sách và giải pháp" sáng 8.9.

TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - cho biết, BOT sử dụng vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, thế nhưng ở nước ta toàn bộ quá trình đó được bảo mật, không cho người dân giám sát, cũng không có sự giám sát trực tiếp của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân.

Việt Nam có tất cả 82 trạm BOT, trong đó chi phí cho vận tải có nơi tăng 300%, cá biệt có nơi tăng 500%. Để vận chuyển nông, thủy sản từ Đồng bằng Sông Cửu Long về TPHCM cứ 10km lại có 1 trạm thu phí và phí BOT vượt cả chi phí về xăng dầu.

Trạm BOT bất hợp lý tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và người nghèo. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ giám sát, rà soát lại các dự án BOT cũng như việc thực hiện đấu thầu các dự án này”, ông Doanh cho hay.

TS Lê Đăng Doanh nói thêm về thực trạng trạm thu phí số 1 trên quốc 5. Ông cho hay, dự án này vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng, người dân đã đóng chi phí xăng dầu, đường bộ, vậy tại sao lại thu phí ở tuyến quốc lộ này.

“Người dân ở quốc lộ 5, buổi sáng đưa con đi học chẳng nhẽ lại thu phí BOT của người ta, không ai chấp nhận cả”.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - nhiều lần đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận sai sót của mình tại một số dự án BOT.

Ông Liên nêu một dẫn chứng cụ thể về bất cập của dự án BOT ở nước ta là hợp đồng BOT ký giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các nhà đầu tư.

Cụ thể ở Điều 76 bảo mật “nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay”.

“Tôi cho rằng điều này trái với quy định của Nhà nước, đã là hợp đồng kinh tế tại sao phải bí mật. Như vậy nó ngược với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Tức là không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được”, ông Liên nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nam Cường - nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào - nói rằng, người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, quốc lộ 5 là đúng, bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ.

Ông Cường dẫn chứng, ở Lào không có trạm BOT giao thông bởi lưu lượng giao thông không đáng thu. Nhà nước bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây các công trình giao thông và không lập trạm thu phí.

Còn tại vùng Đông Bắc Thái Lan, cả 18 tỉnh thuộc khu vực này không có trạm BOT nào dù chất lượng đường giao thông nước này rất tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn