MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT. Ảnh: Bảo Thắng

TS Nguyễn Sĩ Dũng: "Có thể khởi tố sai phạm tại những dự án BOT của Bộ GTVT"

Cường Ngô LDO | 08/09/2017 13:50
Bên thềm buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT - Chính sách và giải pháp", TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, những sai sót trong một số dự án BOT của Bộ GTVT có thể xem xét khởi tố nếu có yếu tố lỗi.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc một số dự án BT, BOT.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, Bộ GTVT coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý về khả năng nộp phí của người tham gia giao thông.

Phần lớn dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng, dồn tích phương tiện giao thông. Bên cạnh đó việc phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng không sát, sai lệch lớn so với thực tế.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ "điểm tên, chỉ mặt" những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết. Với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

“Để cấu thành tội phạm phải có yếu tố lỗi, nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát tài sản quốc gia, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm… thì những yếu tố lỗi đó thì sẽ cấu thành tội phạm”.

TS Dũng cho hay, việc tài xế sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí không cấu thành tội phạm, bởi không được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chỉ có những hành vi được quy định trong bộ luật hình sự thì mới cấu thành tội phạm.

“Đối với những tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm BOT, cơ quan chức năng phải xem xét động cơ là gì. Động cơ là căn cứ rất quan trọng để cấu thành tội hình sự. Nếu có đối tượng kích động các tài xế gây rối thì có thể khởi tố về hành vi gây rối, kích động”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, việc tổ chức các buổi tọa đàm khoa học liên quan đến dự án BOT rất quan trọng thời điểm này, góp phần thúc đẩy Nhà nước phản ứng, có động thái quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề. Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội – cơ quan đại diện cho quyền lợi nhân dân nên tổ chức các phiên điều trần về PPP và BOT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn