MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ cướp 2 tỉ đồng: Quy trình thu phí và cất giữ tiền của nhân viên

Huân Cao LDO | 12/02/2019 16:22

Vụ việc 2 nam thanh niên xông vào trạm thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cướp 2,2 tỉ đồng đã làm xôn xao dư luận. Từ vụ cướp này, nhiều người quan tâm đến quy trình thu phí và việc cất giữ tiền của nhân viên được diễn ra thế nào?

Quy trình thu phí bằng hệ thống tự động

 Nhân viên thu phí theo 3 ca, mỗi ca thu xong đều nộp ngay cho kế toán để tổng hợp và nộp vào Ngân hàng trong ngày.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) là công ty con của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được giao thực hiện thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TLD).

Theo đó, VECE tiến hành thu phí từ năm 2014 và đã bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng (ETC) tại 3 trạm thu phí Long Phước, QL51 và Dầu Giây theo công nghệ thu phí tự động  OBU của Nhật.

Tại 8 cửa thu phí tự động trên, khi xe vào và ra thì hệ thống sẽ tự phân loại xe, quảng đường di chuyển và số tiền phí phải đóng. Từ đó hệ thống trừ tài khoản thẻ của phương tiện, sau đó kết nối với hệ thống ngân hàng và chuyển số tiền này về tài khoản của chủ đầu tư là VEC.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - PGĐ Công ty VECE cho rằng, việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng được nằm trong đầu tư ban đầu của dự án.

"Thiết kế từ đầu dự án đã có công nghệ đó, thiết bị sử dụng công nghệ Nhật Bản, có thiết bị gắn trên xe, có thẻ trả trước. Hiện công ty đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm cho các làn đường còn lại nếu thành công thì sẽ tiếp tục triển." - bà Phương nói.

Như vậy việc thu phí tự động được diễn ra nhanh gọn, nhân viên không phải cất giữ tiền, không lo thu phải tiền giả và  không lo thất thoát hay trộm cướp.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương  - PGĐ VECE trao đổi với PV Báo Lao Động. 

Quy trình thu phí bằng tiền mặt

Hiện VECE có khoảng 400 nhân viên thực hiện công tác thu phí tại 3 trạm trên và được được chia thành 3 ca:  Ca1: 6h30- 11h30 sáng, ca 2: 11h30-6h30 tối, riêng ca 3 là 12 tiếng: 6h30 tối - 6h30 sáng.

Các ca báo cáo theo từng ca trực, mỗi 1 ca trực sau khi hết ca đều phải làm báo cáo gửi các đơn vị chủ quản. Một ca trực, khi hết ca sẽ có một nhân viên trưởng ca đem toàn bộ tiền phí thu được nộp ngay cho bộ phận kế toán.

"Tất cả ca trực đều thể hiện số tiền trên phiếu thu, phiếu chi, phiếu nộp tiền. Mỗi cái phiếu nộp tiền đó phải được cộng dồn từ biên bản bán của từng làn. Mỗi làn bán được bao nhiêu tiền thì nó thể hiện trong cái phiếu nộp tiền và phải có biên bản cho từng ca trực." - PGĐ Nguyễn Thị Hoài Phương nói.

Nếu ca trực nào mà có bán thủ công, hệ thống là kín, đầu vào phát thẻ, đầu ra  thu tiền thì tất cả thông tin dữ liệu cho mỗi giao dịch bao gồm hình ảnh phương tiện, giá tiền, thao tác thu tiền của nhân viên, video của làn xe và trong cabin đều được ghi lại. 

"Theo nguyên tắc của VEC tất cả số tiền trong ngày thu được phải nộp ngày về cho VEC. Hiện chúng tôi thực hiện nộp vào một ngân hàng do VEC chỉ định, ngân hàng này hằng ngày sẽ xuống tận nơi thu toàn bộ số tiền này về nộp vào tài khoản của VEC." - bà Phương nói.

 Hằng ngày Ngân hàng trực tiếp xuống trạm thu phi lấy tiền và nộp vào tài khoản chủ đầu tư VEC.

Theo bà Phương, doanh thu cao hay thấp, thời gian thu phí dài hay ngắn đều không ảnh hưởng đến lương của nhân viên thu phí. Mặt khác, nhân viên có trách nhiệm bồi thường tiền cho VEC nếu thu sai, thu thiếu, thu phải tiền giả hoặc không đủ phép lưu hành.

Được biết, ban đầu VEC xây dựng phương án tài chính là thu trong 32 năm, nhưng từ năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định phê duyệt thời gian thu phí là 21 năm.

Tổng mức đầu tư của toàn tuyến cao tốc TLD là 21.000 tỉ đồng. Tổng số tiền thu phí trong năm 2018 hơn 1.000 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày thu được 3,4 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn