MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi toa tàu metro số 1 sẽ được vận chuyển về depot bằng xe chuyên dụng. Ảnh: Minh Quân

Tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh: Chuẩn bị chạy thử, đưa vào khai thác

MINH QUÂN LDO | 09/10/2020 08:18
Sau một thời gian gián đoạn do dịch COVID-19, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã cập cảng tại TPHCM sáng 8.10, đánh dấu cột mốc quan trọng cho toàn dự án, chuyển từ giai đoạn thi công sang chuẩn chạy thử nghiệm, để hoàn thành và đưa vào khai thác năm cuối 2021.

Ngày 10.10, tàu metro về tới depot

Ngày 8.10, tàu Bayani mang quốc tịch Philippines chở 3 toa tàu của tuyến metro số 1 rời cảng Kasado (Nhật Bản) hôm 30.9 tiến vào cập cảng Khánh Hội (quận 4, TPHCM). Đây là những toa đầu tiên trong tổng số 51 toa (48 toa còn lại sẽ được đưa về sau) của tuyến metro số 1, hoạt động trong giai đoạn đầu (17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa). Toàn bộ công tác chuẩn bị, bốc xếp 3 toa tàu diễn ra trong khoảng 6 tiếng với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, kỹ sư, công nhân.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng Giám đốc Cty CP cảng Sài Gòn, quá trình hạ tải được thực hiện khắt khe, thận trọng để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu. Ngoài ngũ đội ngũ kỹ thuật thực hiện các công đoạn, còn có 5 chuyên gia Nhật Bản giám sát chặt chẽ quy trình bốc xếp.

Ông Đoàn Văn Tiến - Giám đốc dự án Cty Demadept Logistic (đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển toa tàu từ cảng về Depot Long Bình) cho biết, để vận chuyển mỗi toa tàu dài 21m, rộng 3m, cao 4m, nặng 37 tấn, đơn vị sử dụng 3 xe chuyên dụng siêu trường, siêu trọng có sức kéo 250 tấn.

Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tình hình giao thông, công tác vận chuyển tàu metro về depot Long Bình diễn ra lúc 23h đêm 9.10. Dự kiến sáng ngày 10.10, các toa tàu sẽ về đến depot Long Bình và được cẩu lên đường ray, lắp đặt các hệ thống sẵn sàng cho việc vận hành chạy thử.

Sẵn sàng chạy thử tàu metro

Ông Hoàng Mai Tùng - Kỹ sư điều phối dự án metro số 1 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM) cho biết, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 về tới TPHCM đánh dấu cột mốc quan trọng, chuyển từ giai đoạn thi công sang chạy thử để hoàn thành dự án đưa vào khai thác năm cuối 2021.

Các toa tàu sau khi đưa về depot sẽ được chuyển xuống đường ray đã bố trí sẵn, chuẩn bị chạy thử do nhà thầu chính của dự án Hitachi thực hiện.

“Đoàn tàu đầu tiên sẽ được chạy thử nghiệm trực tiếp ở depot Long Bình từ nay đến cuối năm 2020. Sau đó xem xét kết quả thử nghiệm, tổ chức nghiệm thu rồi mới chuyển qua chạy thử nghiệm đoạn trên cao. Cuối cùng là vận hành thử đoạn ngầm giữa các ga tại quận 1 để đảm bảo vận hành được cuối năm 2021” - ông Tùng nói.

Trong khi đó, với việc nhập khẩu 48 đoàn tàu còn lại, ông Hoàng Mai Tùng cho biết, việc này phụ thuộc vào tiến độ thi công của dự án metro số 1 và tiến độ sản xuất của nhà máy bên Nhật Bản. Tuy nhiên kế hoạch sơ bộ là khi hoàn thành việc nghiệm thu, đánh giá toàn diện đoàn tàu đầu tiên thì đến nửa đầu năm 2021 sẽ nhập về phần lớn các đoàn tàu còn lại để chạy thử, đảm bảo theo tiến độ của toàn dự án.

Về công tác đào tạo chuẩn bị cho việc vận hành tàu metro sau này, ông Tùng cho hay, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên đường sắt đô thị số 1 và trường Cao đẳng Đường sắt đào tạo công tác nhân sự cho 3 khâu: Vận hành tại văn phòng; vận hành trực tiếp trên tàu và bảo dưỡng tàu. Đối với đội ngũ kỹ sư của riêng Ban, trong thời gian qua đã cử nhiều nhân sự đi đào tạo kể cả dài hạn lẫn ngắn ngày ở Nhật Bản và một số nước lân cận để chuẩn bị tốt cho công tác nghiệm thu và vận chạy thử tàu.

Liên quan đến việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài làm việc cho dự án metro số 1, theo ông Hoàng Mai Tùng, trước đó các nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị cho phép hơn 100 chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án được nhập cảnh. Đến nay, 3 chuyên gia của nhà thầu tư vấn chung và 6 chuyên gia của nhà thầu thi công đoạn trên cao đã được cấp phép nhập cảnh.

Ngoài ra, nhà thầu Hitachi, thực hiện nhiều hạng mục quan trọng của gói thầu CP3 (cơ điện, đường ray, đầu máy toa xe, thiết bị bảo dưỡng...) đã được UBND TPHCM cho phép 44 chuyên gia nhập cảnh. Đối với hơn 50 chuyên gia còn lại, tùy theo nhu cầu công việc từ này cho đến năm 2021, nhà thầu sẽ có những đề nghị cụ thể và UBND TPHCM sẽ cấp phép nhập cảnh.

Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến công tác thi công tuyến metro số 1 nhưng Ban và các nhà thầu đang nỗ lực tối đa để bắt kịp lại tiến độ đã mất.

“Toàn bộ công trường metro số 1 mỗi ngày có khoảng 2.600 nhân công thi công cả ngày lẫn đêm. Hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang cố gắng hết sức để bù đắp tối đa cho tiến độ đã mất, cố gắng đạt mục tiêu vận hành toàn tuyến metro số 1 vào cuối năm 2021” - ông Tùng khẳng định.

- Theo thiết kế, toa tàu metro số 1 có chiều cao là 4,08m và bề rộng bên trong là 2,95m - lớn nhất so với các tàu metro khác ở Việt Nam. Buồng lái được bố trí ở hai đầu của đoàn tàu có chiều rộng bằng chiều rộng toa xe và bố trí cửa thoát hiểm phía trước. Các công tắc trên bàn điều khiển được bố trí trong tầm tay người lái tàu. Bộ ghi dữ liệu đặt ở mỗi buồng lái được dùng để giám sát và ghi lại các dữ liệu về hoạt động của đoàn tàu (tốc độ, phương thức điều khiển,…), hệ thống thông tin đoàn tàu. Dữ liệu sẽ được lưu giữ và bảo vệ không bị xoá do vô ý nhằm điều tra toàn diện khi có sự cố.

- Tuyến metro số 1 dài gần 20km, trong đó có 2,6km đi ngầm với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành. Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 76% khối lượng công việc, phấn đấu cuối năm đạt 85% và mục tiêu đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn