MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương tiện công cộng ở Hà Nội hiện mới đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Hữu Chánh

Ùn tắc giao thông ở Thủ đô: Phương tiện công cộng yếu, thiếu kết nối

HỮU CHÁNH LDO | 20/12/2022 08:43

Hà Nội - Một thành phố có giao thông hiện đại khi 60% người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, trong khi đó, Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 18%. Do vậy, mục tiêu phát triển giao thông đô thị - lấy vận tải công cộng làm trung tâm của Thủ đô vẫn là một bài toán khó cho những nhà quản lý.

Người dân chưa mặn mà với giao thông công cộng

Xe buýt được xem là “xương sống” trong hệ thống vận tải công cộng. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Lao Động cho thấy, đa số những người đi xe buýt ở Hà Nội được hỏi đều cho rằng, loại hình xe buýt, vận tải công cộng ở Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.

Chị Hà Diễm Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, xe buýt chỉ phù hợp với những người chủ động được thời gian, còn những người đi làm, luôn phải lo lắng cảnh tắc đường, ảnh hưởng tới công việc thì không phù hợp lắm, bởi tính kết nối chưa cao, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

“Người dân phải đi bộ khá xa mới tiếp cận được xe buýt và không phải ra bến lúc nào cũng có xe. Trong khi nhiều xe buýt đã cũ, nội thất xuống cấp, việc phục vụ của nhân viên cũng chưa tốt" - chị Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho hay, các lực lượng tham gia vận tải công cộng bao gồm xe buýt, tàu điện hiện mới đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân.

"Đây là con số khá khiêm tốn, chỉ tiêu chúng ta đặt ra cho 2022 là khoảng 21 - 23%", ông Hải cho biết.

 Người dân vẫn ưa chuộng phương tiện cá nhân hơn là đi xe buýt. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo thống kê mới nhất, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã phục vụ gần 8,6 triệu hành khách, trung bình đạt hơn 900.000 hành khách/tháng. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở lớn.

Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, song hành với sức hấp dẫn, một số vấn đề lại nảy sinh khiến không ít người dân bối rối, đó là vấn đề thiếu kết nối, đồng bộ giao thông.

Thường xuyên sử dụng tàu điện trên cao làm phương tiện đi lại, anh Nguyễn Văn An (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, việc kết nối với các loại hình giao thông tại nhà ga chưa thuận tiện, trong khi tại các ga này là các tuyến đường chính, mật độ phương tiện giao thông cao.

"Các tuyến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả do phải chờ đợi lâu. Do vậy, phần lớn người dân thường chọn bắt xe ôm hơn là đi xe buýt", anh An nói.

Thiếu tính liên kết, đồng bộ

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, đến năm 2030 sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, so với thực tế hiện nay, đây là mục tiêu vô cùng thách thức.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, hiện chỉ có hơn 15% người dân ở Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng, còn lại đều sử dụng phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, hiện chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh - Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ,... Vì thế, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính mà người lựa chọn làm phương tiện để đi lại.

"Chúng ta không thể ép người dân từ bỏ lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt", ông Thủy nói.

Tại ga Cát Linh, hành khách lựa chọn xe buýt nhỏ còn thưa thớt, có xe khởi hành trống. Ảnh: Nguyễn Thúy

Ông Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, xét riêng trong hệ thống giao thông công cộng, metro vẫn là phương tiện vận chuyển lý tưởng cho các thành phố lớn.

Tuy nhiên, loại hình phương tiện giao thông công cộng chỉ phát huy được tối đa năng lực vận tải khi có một mạng lưới giao thông đầy đủ.

"Việc tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với các bến của tuyến Cát Linh - Hà Đông đến nay chưa được tốt, chưa đồng đều, đi không đúng giờ và sự liên thông giữa xe buýt với các loại phương tiện khác cũng rất ít", ông Tạo nói.

Bên cạnh đó, tại các bến của tuyến đường sắt trên cao, vẫn chưa có các địa điểm để cho các phương tiện dừng đón khách, hoặc trung chuyển khách từ nơi này đến nơi khác.

Việc thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở hạ tầng để kết nối khiến cho các loại phương tiện không có chỗ dừng, và nếu dừng ở dưới bến sẽ gây ách tắc giao thông.

Theo chuyên gia, một thành phố chỉ có thể có giao thông đô thị văn minh và hiện đại khi trên dưới 60% người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. 

Tuy nhiên, với thực tế ở Hà Nội hiện nay, việc phát triển giao thông đô thị lấy vận tải công cộng làm trung tâm vẫn là một bài toán khó giải cho các nhà quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn