MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vành đai 3 TPHCM đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư. Ảnh: Minh Quân

Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh: Hai phương án huy động thêm nguồn vốn

MINH QUÂN LDO | 24/02/2022 11:40
Kiến nghị tăng tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3 là hai phương án giúp huy động thêm nguồn vốn để các tỉnh thành bố trí đầu tư tuyến đường này.

Kiến nghị tăng vốn đầu tư để bố trí cho dự án

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 3 được UBND TPHCM trình Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một dự kiến 75.777 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương.

Ngân sách Trung ương dự kiến bố trí gần 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai; 100% đoạn qua tỉnh Long An. Phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TPHCM sẽ chi hơn 24.380 tỉ đồng, Đồng Nai khoảng 1.624 tỉ đồng và Bình Dương hơn 9.700 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện TPHCM cùng các tỉnh có đường Vành đai 3 đi qua hiện chưa thể bố trí ngân sách cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND TPHCM, kế hoạch đầu tư công giai đoạn nêu trên từ nguồn ngân sách thành phố được Quốc hội thông qua với tổng mức hơn 142.000 tỉ đồng. Lĩnh vực giao thông được phân bổ khoảng 33.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 23%. Mức vốn này chỉ cơ bản đáp ứng các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước.

TPHCM và các địa phương kiến nghị Thủ tướng đồng ý trình Quốc hội cơ chế cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và kiến nghị tăng tổng vốn trung hạn thời gian này để bố trí cho dự án Vành đai 3. Qua rà soát, hiện TPHCM có khả năng có thể huy động thêm khoảng 119.410 tỉ đồng để triển khai đầu tư các dự án cấp bách, trọng điểm mới.

Khai thác tốt quỹ đất sẽ đủ vốn làm Vành đai 3

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chủ động nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, sản xuất kinh doanh… hai bên đường để tạo nguồn vốn làm Vành đai 3.

Hiện UBND TPHCM cũng đã có văn bản gửi các tỉnh khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các khu đất, vùng phụ cận dự kiến thu hồi dọc theo tuyến đường Vành đai 3 khi triển khai, hoàn thành như: Vị trí, diện tích loại đất (đất lúa, đất rừng...), giá trị tạm tính từng khu đất. Từ đó, tính toán nguồn vốn có khả năng thu được từ khai thác quỹ đất ở các vùng phụ cận dọc tuyến Vành đai 3.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, nếu TPHCM và các tỉnh thành liên quan có kế hoạch khai thác quỹ đất tốt thì thậm chí còn đủ nguồn vốn để làm Vành đai 3 mà không cần chờ vào ngân sách Trung ương.

Để làm được việc này, theo ông Sơn, phải có một lãnh đạo UBND TPHCM làm nhạc trưởng, chỉ huy các sở, ban, ngành trong công tác lập quy hoạch, rà soát quỹ đất Vành đai 3 sao cho thực hiện thống nhất, hiệu quả. Đối với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng cần có người làm nhạc trưởng để đường Vành đai 3 đi qua bốn địa phương cùng đồng bộ, hoàn thành đúng mục tiêu.

“Các nhạc trưởng sẽ làm công tác phối hợp liên ngành và liên kết các địa phương lại với nhau. Chúng ta cũng cần tránh tình trạng đơn ngành thực hiện sẽ dẫn đến việc khai thác quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 không mang lại hiệu quả” - ông Sơn bày tỏ.

Theo Kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã khai tử hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, TPHCM và các tỉnh vẫn có thể khai thác quỹ đất dự án đường Vành đai 3 chạy qua nhưng cần đấu giá công khai, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đấu giá quỹ đất, qua đó chuyển đất thành tiền, thu tiền từ đấu giá đất và mang đi làm dự án. Điều này sẽ khắc phục tối đa những hạn chế trong giao đất, định giá đất sau, gây thất thoát tài sản nhà nước đã từng xảy ra tại các dự án đầu tư BT trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn